Sinh sống trong những căn chung cư đang trở thành xu hướng với rất nhiều tiện ích và diện tích căn cũng đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất của chung cư là chủ nhà không được chủ động bố trí cửa sổ. Chính vì thế, tình trạng không gian bếp không có cửa sổ xảy ra khá phổ biến. Và khi không có cửa sổ, căn bếp trở nên ẩm thấp, thiếu sáng. Vậy có những giải pháp khắc phục nào?
Khắc phục không gian bếp không có cửa sổ bằng những cách cực đơn giản
1. Sử dụng vách/cửa kính để ngăn phòng
Sử dụng kính để phân chia phòng là một trong những giải pháp thông minh để tận dụng ánh sáng từ những không gian chức năng khác. Thêm vào đó, kính cũng tạo được sự ngăn chia độc lập giữa các phòng. Gia chủ có thể sử dụng cửa kính 1 cánh, 2 cánh hoặc dạng cửa trượt. Kính cũng có thể lựa chọn kính trong suốt hoặc kính mờ tùy theo sở thích của từng gia chủ.
Cửa kính dạng 2 cánh trượt mang nét cổ điển, sang trọng
Cửa trượt kính phân chia không gian phòng khách và phòng bếp, giúp căn bếp sáng sủa hơn
Cửa trượt kính mờ giúp không gian thêm hiện đại
Đối với vách kính, bạn có thể biến chúng trở thành một cửa sổ “giả” cho căn bếp. Thay vì mở ra không gian bên ngoài thì chiếc cửa sổ này sẽ hướng vào phòng khách hoặc phòng ăn để đón ánh sáng từ phòng khách.
Cửa sổ giúp đưa ánh sáng từ phòng khách tràn vào trong bếp
Vách kính giúp căn bếp nhỏ không bị bí bách mà cho cảm nhận rộng và thoáng hơn
Một cách bố trí cửa sổ bếp thông minh và hiện đại
2. Tạo không gian mở giữa phòng bếp với phòng ăn hoặc phòng khách
Giải pháp đón sáng tiếp theo dành cho phòng bếp không có cửa sổ chính là tạo một không gian mở thoáng đãng. Đây cũng là một trong những cách thiết kế nội thất được áp dụng phổ biến nhất trong chung cư, đặc biệt là những căn chung cư nhỏ.
Như vậy, cửa sổ hoặc giếng trời ở phòng khách nghiêm nhiên cũng thuộc về phòng bếp. Không gian bếp sẽ rộng rãi và sáng sủa hơn. Để tạo một ranh giới nhỏ, gia chủ có thể thay đổi chất liệu sàn giữa không gian phòng khách và phòng bếp.
Không gian mở giữa phòng khách và căn bếp, ánh sáng từ giếng trời có thể lan tỏa khắp không gian
Không có vách ngăn nên gian bếp có thể tận dụng được ánh sáng từ ban công
3. Lựa chọn đèn chiếu sáng cho không gian bếp không có cửa sổ
Giải pháp không thể thiếu tiếp theo chính là việc gia chủ lắp đặt và bố trí hệ thống đèn chiếu trong căn bếp sao cho phù hợp. Ngay cả khi dùng vách/cửa kính hoặc tạo không gian mở thì đèn bếp vẫn là vật dụng không thể thiếu. Một gợi ý nhỏ là sử dụng đèn cho ánh sáng trắng để tạo cảm giác tự nhiên nhất. Nếu có thể, gia chủ nên gắn hệ thống đèn trần ngay trong căn bếp và bố trí thêm đèn lớn ở trung tâm phòng.
Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp ngay bên dưới kệ bếp, kết hợp với đèn trần giúp không gian sáng hơn
Góc bếp nhỏ với chiếc đèn trần cho ánh sáng vàng ấm áp
4. Lựa chọn màu sắc tươi sáng cho phòng bếp không có cửa sổ
Màu sắc cũng đóng một vai trò quan trọng giúp căn bếp thêm sáng sủa. Có một số màu gia chủ nên ưu tiên cho căn bếp, nhất là những căn bếp nhỏ như màu vàng nhạt, màu trắng… Màu xanh nhạt, tím nhạt cũng là một gợi ý không tồi, gam màu này sẽ giúp căn bếp thêm thú vị.
Không gian màu trắng, nâu gỗ nhẹ nhàng giúp căn bếp rộng rãi hơn, tươi sáng hơn
Không gian mở giữa bếp, phòng ăn và phòng khách kết hợp với màu trắng và nâu gỗ tạo mang nét hiện đại, sang trọng cho cả căn hộ
Căn bếp tối giản với gam màu trắng – tím nhạt chủ đạo tạo được ấn tượng đặc biệt
Đừng e ngại nếu bạn phải lựa chọn một căn chung cư mà không gian bếp không có cửa sổ. Bởi chỉ cần một chút khéo léo, bạn sẽ biến điểm bất lợi đó trở thành lợi thế. Phòng bếp sẽ trở thành nơi ấm cúng và là điểm nhấn cho cả không gian.
Bài viết: Thu Hằng