Với thời tiết ẩm ướt ở Miền Bắc khoảng tháng 2 âm lịch thì cái cảm giác nhà bị nồm ẩm thật khó chịu.
Sàn nhà sũng nước luôn, lau xong rồi lại ướt, càng bật quạt cho khô thì lại càng ra nước. Rồi cũng ảnh hưởng đến các đồ thiết bị điện tử.
Vì hiện tượng ẩm ướt nền nhà là do chênh lệch nhiệt độ giữa nền dưới và bề mặt trên nền, làm hơi ẩm trong không khí ngưng tụ lại trên bề mặt nền nhà. Kiểu như có cốc nước lạnh ở trên bàn, sau vài phút sẽ thấy mặt ngoài cốc ngưng tụ thành nước, cứ tưởng là cốc vỡ.
Khi không khí có nhiều hơi nước và nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ không khí thì sẽ sinh ra hiện tượng "đổ mồ hôi". Sàn nhà không có khả năng hút ẩm, lại dẫn nhiệt kém sẽ làm cho lớp không khí chứa hơi nước sát bề mặt bị lạnh đi, tới điểm sương (nhiệt độ mà tại đó hơi nước ngưng tụ thành sương), đọng lại thành giọt, lấm tấm trên sàn.
Nguyên nhân gây ra nồm cần có 2 điều kiện sau đây:
- Độ ẩm không khí cao, thường trên 90% hoặc bão hoà.
- Nhiệt độ bề mặt nền thấp dưới nhiệt độ đọng sương.
Một khi nhiệt độ bề mặt nền xuống dưới nhiệt độ đọng sương thì hơi nước trong không khí sẽ ngưng đọng trên mặt nền. Trong những ngày có nồm, thường mặt nền thấm lạnh trong đêm. Đến ban ngày, trời trở nên ấm hơn nhưng mặt nền thì vẫn rất lạnh, tạo điều kiện cho hơi nước trong không khí nhanh chóng ngưng đọng trên mặt nền nhà. Nếu vật liệu lát nền là loại hút nước(như gạch xây nước sét, gạch lá nem) thì ta sẽ không thấy nước đọng trên bề mặt nền, chỉ thấy nền nhà ẩm hơn.
Ngược lại là nền lát đá, gạch gốm tráng men, gạch hoa xi măng, là những loại ít hút nước, ta thấy rõ nước ngưng tụ thành dòng trên mặt nền. Nhiều khi còn thấy ngưng tụ trên mặt bàn gỗ được đánh bóng, hay trên mặt tường ốp gạch men sứ. Điều này thường xảy ra vào ngày có khí bão hoà hơi nước. Khi đó nhiệt độ không khí cũng chính là nhiệt độ đọng sương.
Vì vậy để chống nồm ẩm thì phải giảm hạn chế được 2 điều kiện trên, với 2 cách phối hợp như sau:
1. Giảm độ ẩm không khí: Trời nồm ẩm thì hạn chế mở cửa đi, cửa sổ. Hạn chế cho không khí nồm ẩm vào nhà. Giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữ không khí và bề mặt nền thì sẽ hạn chế được hiện tượng nồm ẩm.
2. Giữ cho nhiệt độ mặt nền ngang với nhiệt đô không khí: Bản chất của giải pháp này là cách nhiệt nền nhà bằng vật liệu cách nhiệt, sao cho nhiệt độ thấp dưới đất trong đêm không lên tới mặt nền, do đó nhiệt độ mặt nền thường cao hơn nhiệt độ đọng sương..
Đào sâu nền nhà 50-75cm, san bằng nền đất, đổ cát vàng dày 35-45cm, san bằng, sau đó đổ xỉ than 25-30 cm san bằng đều. Dùng dầm bàn dầm đều nền, bổ sung thêm cát vàng vào lớp xỉ than này và tưới đều nước vào nền cho thật sũng ta sẽ tạo được lớp nền phân 2 lớp cát vàng ở dưới, xỉ than ở trên chắc chắn.
Trước khi lát gạch nền trộn đều xi măng cát vàng khô (tỷ lệ như vữa xây) và trải đều 1 lớp cát vàng xi măng (dày khoảng 2 cm) lên nền xỉ than sau đó tráng một lớp vữa xi măng cát ướt (tỷ lệ xi măng: cát đen đã rửa sạch là 2:1) và chỉ việc dán gạch lát nền trên cùng.
Đây là cách đơn giản nhất. Ngoài ra có thể dùng nhiều loại vật liệu cách nhiệt khác như xốp, hoặc tạo thành các khoảng đệm cách nhiệt bằng không khí …
Với 2 cách trên thì sẽ hạn chế được hiện tượng nồm ẩm ở Miền Bắc.
Ngoài ra các anh chị em có thể tham khảo Quy chuẩn xây nền nhà chống nồm: TCXD 230-1998- Nền nhà chống nồm, BXD đã ban hành ngày 20 tháng 5 năm 2003.