Từ xa xưa, nhu cầu tự nhiên của con người là mong muốn có được một hệ sinh thái trong lành để chung sống, dựng nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi… cùng nhau hòa mình vào tự nhiên thiên nhiên ấy.
Ngày nay, hệ quả của các vấn đề đô thị hoá như khói, bụi, tiếng ồn, không gian sinh hoạt thu hẹp… dẫn tới chất lượng không gian sống không được đảm bảo, người dân trong đô thị thì dường như bị xa rời đi các bản năng tự nhiên ngày nào.
Bên cạnh đó, trong một bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng ở các thành phố lớn của Việt nam, nếu mỗi một ngôi nhà như một tế bào khỏe mạnh, một ốc đảo xanh tươi với một hệ sinh thái tự thân cộng sinh bền vững, thì tổng thể môi trường đô thị cũng sẽ được cải thiện và đô thị đó sẽ tạo ra nhiều những không gian đáng sống hơn.
Từ những suy nghĩ như vậy, nhóm tác giả bắt đầu từ một đơn nguyên nhỏ với mong muốn tạo ra hệ khung kiến trúc không chỉ phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt tiện nghi của con người đô thị mà còn có thể đáp ứng cho nhiều loài cùng có thể chung sống, phát triển và cộng sinh như một hệ sinh thái tự nhiên.
Hệ sinh thái này có thể hiểu như một lát cắt dọc luân chuyển, liên thông từ dưới lên trên và luôn đảm bảo tính cộng sinh đa dạng nhằm tạo ra 1 vòng tuần hoàn liên kết mật thiết với nhau. Sự luân chuyển này chủ yếu thông qua nước, ánh sáng và gió (không khí).
Theo sau đó là một quá trình của Diễn thế sinh thái, điều này có nghĩa nó không phải là một bức tranh cuối cùng mà nó là một bức tranh động trải qua nhiều chu trình phát triển tuần tự.
Từ cách đặt vấn đề như vậy, nhóm tác giả đề xuất 03 giải pháp kiến trúc chính:
PHÁ VỠ CÁC CHIA CẮT NGANG ĐỂ TẠO RA SỰ LIÊN THÔNG VÀ LIÊN KẾT THEO CHIỀU DỌC CHO TOÀN BỘ CÔNG TRÌNH.
Giải quyết các lát cắt công năng từng tầng một, từ đó liên kết chúng lại để tạo ra một lát cắt dọc còn được gọi là lát cắt sinh thái, hiểu đơn giản cả hệ thống vận hành luân chuyển từ trên xuống dưới như một cái cây. Bằng cách phá vỡ các lát cắt ngang để tạo ra một liên thông sinh thái bao gồm cả sinh thái nhân văn lẫn sinh thái tự nhiên.
ĐA DẠNG CÁC TẦNG BẬC KHÔNG GIAN TRONG CÔNG TRÌNH ĐỂ ĐÁP ỨNG SỰ ĐA DẠNG CHO HỆ SINH THÁI CỘNG SINH.
Bản chất đầu tiên của một Hệ sinh thái là sự đa dạng vì thế công trình kiến trúc được tạo dựng cũng phải đảm bảo tính đa dạng của không gian: từ chiều cao, khối tích, lối tổ hợp không gian đến ánh sáng, chất liệu, màu sắc… Từ những không gian đa dạng tạo ra không gian đa dạng hơn có lớn, có nhỏ, có chỗ đón nhiều ánh sáng, nơi thì chỉ nhận ánh sáng gián tiếp… nhằm tăng tính liên thông, sự luân chuyển trong ngoài, trên- dưới…
TẠO RA MỘT CHU TRÌNH PHÁT TRIỂN TUẦN TỰ CỦA HỆ ĐỘNG THỰC VẬT CỘNG SINH TRONG CÔNG TRÌNH.
Coi công trình không phải là một trạng thái cố định cuối cùng mà đó là một thực thể sống qua từng giai đoạn của quá trình Diễn thế sinh thái*. Từ đó dẫn tới những sự lựa chọn các giải pháp kỹ thuật nông nghiệp đô thị nhằm phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu đặc trưng trong các đô thị ở Việt nam.
Đề xuất này áp dụng cho một công trình thực tế được xây dựng tại thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương, một thành phố trẻ với nền kinh tế đô thị phát triển nhanh chóng. Khu đất mặt phố với diện tích xây dựng 150m2 có mặt tiền rộng 5m, dành cho một hộ gia đình với 4 thành viên, bố mẹ và hai người con.
Với một hệ khung không gian linh hoạt và đa dạng như vậy, nhóm tác giả cùng gia chủ cũng dễ dàng áp dụng và lồng ghép các giải pháp nông nghiệp phố như kỹ thuật Aquaponics cộng sinh giữa cây và cá, tái sử dụng nước cho việc tưới tiêu, giải pháp ủ phân hữu cơ từ thức ăn dư thừa của gia đình…
Sau gần một năm đi vào sinh hoạt, gia chủ đã thống kê được hơn 300 loài động-thực vật cùng nhau chung sống, đặc biệt đã có Ong tìm về đây làm tổ, điều này là một tín hiệu tốt thực chứng cho việc môi trường không gian sống đang dạng, trong lành hơn và tạo ra được nhiều sự hấp dẫn dài lâu.
Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng theo dõi quá trình vận hành của công trình để tính toán cụ thể hơn các chỉ số về tiêu thụ năng lượng của ngôi nhà, các chỉ số về môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, thông gió, chiếu sáng…
Trong thuyết minh tính toán mô phỏng năng lượng, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng công trình với hệ sinh thái cộng sinh này tiết kiệm 31% năng lượng vận hành so sánh với một ngôi nhà có diện tích và nhu cầu tương đồng trong bối cảnh đô thị.
THÔNG TIN CÔNG TRÌNH:
+ Tên tác phẩm: URBAN FARMING HOME
+ Tác giả: Ths, Kts An Việt Dũng
+ Cộng sự: Ths, Kts An Thanh Nhàn
+ Chủ đầu tư/ Địa chỉ: Anh Nguyễn Hữu Trung & Chị Trần Thị Cúc; Địa chỉ: Hoàng Hoa Thám, P. Hiệp Thành, Tp. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương
+ Năm thiết kế: 2020/ Năm hoàn thành: 2021
+ Địa điểm xây dựng/ thiết kế: Tp. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương
+ Diện tích khu đất/ diện tích xây dựng: 168m2/ 150m2
+ Số tầng: 03 tầng/ Tổng diện tích sàn: 380m2