Món ăn giúp đẩy lùi cảm cúm theo y học cổ truyền

    Cập nhật ngày 09/02/2025, lúc 07:0040 lượt xem

    Cảm lạnh và cảm cúm là những bệnh phổ biến, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa. Dù đa số các trường hợp có thể tự khỏi, nhưng triệu chứng như mệt mỏi, sốt, đau họng, nghẹt mũi… vẫn gây nhiều khó chịu. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây cảm cúm có thể xuất phát từ sự suy giảm chính khí (sức đề kháng) của cơ thể hoặc do tác động của tà khí bên ngoài như phong, hàn, thấp, thử, nhiệt xâm nhập vào cơ thể.

    Cảm cúm thường chia thành hai dạng chính:

    Cảm phong hàn (cảm lạnh): Người bệnh thường có biểu hiện sợ gió, sợ lạnh, sốt, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho, đau rát họng. Rêu lưỡi thường trắng, mỏng, mạch phù.

    ⮞ Cách điều trị: Phát hãn, giải biểu (tức làm ra mồ hôi để hạ sốt). Sử dụng các dược liệu có tính cay, ấm như gừng, tỏi, hành, quế, tía tô, kinh giới, bạch chỉ…

    Cảm phong nhiệt (cảm cúm): Người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu nặng, đau nhức toàn thân, chảy nước mũi đặc, khô miệng, ho có đờm vàng, rêu lưỡi vàng.

    ⮞ Cách điều trị: Thanh nhiệt, tuyên phế (làm thông khí, hạ sốt). Sử dụng các loại thảo dược có tính mát như bạc hà, hoắc hương, cúc hoa, sài hồ, sắn dây, cúc tần…

    Dưới đây là một số món ăn giúp hỗ trợ điều trị cảm cúm theo từng thể bệnh.

    Món ăn giúp đẩy lùi cảm phong hàn (cảm lạnh)

    1. Cháo hành tía tô – Món ăn giải cảm hiệu quả

    Tía tô có vị cay, tính ấm, giúp phát tán phong hàn, hóa đàm, giải độc. Khi kết hợp với hành, món cháo này sẽ kích thích tiết mồ hôi, giúp cơ thể giảm sốt nhanh chóng.

    Cách làm:

    Chuẩn bị: 1 nắm tía tô, 1-2 nhánh hành lá, 50g gạo tẻ, một chút gừng thái sợi.

    Nấu cháo từ gạo tẻ, khi cháo chín nhừ, cho gừng vào đun thêm vài phút.

    Tắt bếp, thêm hành lá và tía tô thái nhỏ, khuấy đều và ăn nóng.

    Ngoài cháo, tía tô còn có thể dùng để nấu nước xông giải cảm, giúp thông mũi và làm ấm cơ thể.

    Cháo hành tía tô giúp trị cảm cúm cực tốt

    2. Cháo gừng – Đánh bay cảm lạnh

    Gừng là vị thuốc có tác dụng làm ấm cơ thể, chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa và làm dịu cơn ho.

    Cách làm:

    30g gừng tươi rửa sạch, thái lát.

    60-80g gạo tẻ nấu cháo. Khi cháo chín, thêm gừng vào đun sôi.

    Thêm đường trắng, khuấy đều và ăn khi còn nóng.

    Cháo gừng đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ bị viêm khí phế quản do cảm lạnh, người bị đau bụng do nhiễm lạnh.

    3. Trà gừng mật ong – Xua tan nghẹt mũi, đau họng

    Trà gừng kết hợp với mật ong giúp làm dịu cổ họng, thông mũi, đồng thời tăng sức đề kháng.

    Cách làm:

    Cạo sạch vỏ một củ gừng tươi, thái lát mỏng.

    Cho vào ly nước nóng, đợi 5 phút rồi thêm 1 thìa mật ong.

    Uống khi còn ấm để phát huy tác dụng tốt nhất.

    Mật ong và gừng mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe

    4. Cháo kinh giới – Thúc đẩy tiết mồ hôi, giải độc

    Kinh giới có tính ôn, cay, giúp tán hàn, giải biểu, thích hợp cho người bị cảm lạnh, đau đầu, ho có đờm.

    Cách làm:

    10g kinh giới, 12g phòng phong, 6g bạc hà, 8g đạm đậu xị sắc lấy nước.

    Dùng nước này nấu cháo với gạo tẻ, ăn nóng.

    Món ăn giúp giảm cảm phong nhiệt (cảm cúm)

    1. Cháo bạc hà – Hạ sốt, thanh nhiệt

    Bạc hà giúp thông mũi, giảm ho, làm mát cơ thể, thích hợp với người bị cảm phong nhiệt.

    Cách làm:

    15g bạc hà sắc lấy nước, để nguội.

    60g gạo tẻ nấu cháo, khi cháo chín thì thêm nước bạc hà và đường phèn.

    Ăn khi còn ấm để kích thích toát mồ hôi, giúp hạ sốt nhanh chóng.

    2. Canh cải cúc nấu cá rô – Giải cảm, bổ sung dinh dưỡng

    Cải cúc có tác dụng lợi tiểu, tiêu đờm, giảm viêm. Kết hợp với cá rô giúp bổ sung dinh dưỡng khi cơ thể suy nhược.

    Cách làm:

    Cải cúc 500g, cá rô 300g làm sạch, nướng vàng.

    Đun sôi nước, cho cá vào đun, gỡ lấy thịt, ướp với gia vị.

    Dùng nước luộc cá để nấu canh, khi sôi thì cho cải cúc vào, đảo đều rồi tắt bếp.

    Canh cải cúc là loại rau được mọi người biết đến là một vị thuốc quý được rất nhiều người ưa chuộng

    3. Bối mẫu – sa sâm hấp lê – Giảm ho, làm dịu họng

    Lê có tác dụng nhuận phế, giảm ho. Khi kết hợp với bối mẫu, sa sâm giúp trị ho khan, đau họng hiệu quả.

    Cách làm:

    1 quả lê gọt vỏ, 6g bối mẫu, 10g sa sâm, 4g bạc hà, đường phèn vừa đủ.

    Hấp cách thủy, chia ăn sáng và chiều.

    Dùng liên tục vài ngày để cải thiện tình trạng ho, đau họng do cảm cúm.

    4. Súp gà – Hỗ trợ phục hồi sức khỏe

    Dù chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định súp gà có thể chữa cảm cúm, nhưng đây là món ăn bổ dưỡng, giúp cung cấp chất điện giải, protein và vitamin.

    Cách làm:

    Nấu nước dùng gà với hành tây, cà rốt, cần tây.

    Thêm thịt gà xé nhỏ, nêm gia vị vừa ăn.

    Súp gà giúp bổ sung năng lượng, làm dịu cổ họng, thích hợp cho cả người bị cảm phong hàn lẫn phong nhiệt.

    Súp gà không chỉ làm ấm cơ thể khi trời lạnh mà còn giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn khi bị cảm 

    Cảm cúm thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa, dễ lây lan và gây nhiều phiền toái. Bên cạnh các phương pháp điều trị thông thường, sử dụng các món ăn có dược tính sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, giảm triệu chứng khó chịu một cách tự nhiên.

    Dù bị cảm phong hàn hay phong nhiệt, việc áp dụng những món ăn giải cảm này sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe hiệu quả. Hãy lựa chọn món ăn phù hợp và chăm sóc cơ thể đúng cách để có một mùa đông khỏe mạnh!

    Nguồn: Tổng hợp

    *Để lại thông tin trong box dưới đây, Happynest sẽ giúp bạn kết nối đơn vị thiết kế - thi công phù hợp và nhanh chóng nhất.

    Ngân AnhTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0