Hướng dẫn trang trí bàn thờ đón Tết Nguyên Đán 2024 chuẩn phong thủy để cả năm hanh thông, thuận lợi (kèm ảnh thực tế)

    Cập nhật ngày 28/12/2023, lúc 09:28105.863 lượt xem

    Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, nếu bạn lần đầu phải lau dọn, trang trí bàn thờ ngày Tết, hoặc đang băn khoăn về cách sắp xếp, bày biện nơi thờ cúng gia tiên cho căn nhà của mình thì hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.

    Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây.

    Từ bao đời nay, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã trở thành truyền thống quý báu được người dân Việt Nam gìn giữ, thể hiện qua tín ngưỡng thờ cúng gia tiên tiền tổ. Năm hết Tết đến là dịp người người nhà nhà hướng về ông bà, tổ tiên để báo cáo tổng kết năm cũ và cầu nguyện cho năm mới sắp đến. Do đó, ngoài dọn dẹp nhà cửa, việc lau dọn và trang trí bàn thờ ngày Tết là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết của mọi nhà.

    1. Vì sao cần trang trí bàn thờ ngày Tết đúng cách?

    Bàn thờ gia tiên là nơi linh thiêng nhất trong nhà, không chỉ thể hiện sự hiếu kính của con cháu với các bậc tiền nhân, sự đủ đầy của gia chủ mà còn được coi là nơi chốn để ông bà, tổ tiên trú ngụ, phù hộ độ trì cho gia đình. Do vậy, trang trí bàn thờ ngày Tết cũng phải được thực hiện đúng cách, có tôn ti trật tự để không gây xáo động anh linh của gia tiên.

    Bàn thờ thường được các gia chủ lau dọn, trang trí từ ngày 23 tháng Chạp và hoàn thành trước đêm Giao thừa

    Thông thường, việc dọn dẹp, trang trí bàn thờ ngày Tết chỉ được bắt đầu sau lễ cúng ông Công, ông Táo. Nhiều người quan niệm rằng, sau ngày 23 tháng Chạp đến đêm Giao thừa là thời điểm “Ông Bà đi chầu Trời”. Thế nên gia chủ có thể tranh thủ khoảng thời gian này để sắm sửa, trang trí bàn thờ Tết đẹp đẽ, trang nghiêm nhất để đón các vị gia tiên trở về.

    >>> Xem thêm: Tổng hợp xu hướng trang trí nhà cửa đón tết Quý Mão 2023

    2. Các vật dụng, đồ trang trí trên bàn thờ ngày Tết

    Tùy vào mỗi vùng miền cũng như điều kiện của từng gia chủ mà các vật dụng, đồ trang trí trên bàn thờ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trên bàn thờ vào ngày Tết bắt buộc phải có những đồ vật sau:

    Bát hương: Là vật quan trọng và linh thiêng nhất vì đây là nơi để chúng ta thắp lên những nén hương tưởng nhớ đến người đã khuất. Trên bàn thờ thông thường có 3 bát hương: bát hương lớn để thắp nhang cho Thần linh chủ quản, bát hương nhỏ bên trái để thắp nhang cho Bà Cô Ông Mãnh, bát hương nhỏ bên phải để thắp cho Gia tiên trong nhà.

    Đèn dầu/chân nến: Trên bàn thờ thường sẽ có hai đèn dầu hoặc hai chân nến đặt hai bên trái phải có ý nghĩa tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Thể hiện sự soi sáng, xua đuổi những điều tối tăm và mang đến những điều may mắn.

    Đài thờ: Đây là vật đại biểu cho sự hòa thuận, sung túc của anh em trong gia đình, thường có 3 lọ để chứa muối, gạo và rượu. Đi kèm với đài thờ thường có thêm bộ 3 chén kỷ làm bát nước.

    Lọ hoa: Trưng bày hoa cúng cho bàn thờ ngày Tết là điều không thể thiếu. Thông thường, trên bàn thờ sẽ có 2 lọ hoa đặt 2 bên, thể hiện sự sung túc, đủ đầy của gia chủ.

    Mâm bồng: Là vật dụng rất cần thiết khi bạn muốn bày biện hoa quả, đồ cúng lên bàn thờ để thể hiện lòng biết ơn của mình với tổ tiên.

    Bộ bát cơm và đũa thờ: Những vật này sẽ được dùng cho việc mời cơm cúng gia tiên của con cháu vào mỗi mùng 1, 2, 3 và tới mùng 7 theo quan niệm của từng gia đình. Bát cơm và đũa thể hiện sự tưởng nhớ và gắn kết với gia tiên khi dùng bữa cơm trong gia đình ngày Tết.

    Ngoài các đồ vật cơ bản trên, bàn thờ của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn còn có thể có thêm ngai thờ, bài vị, lư hương, tượng thờ, tranh/ảnh thờ, hoành phi, câu đối, hạc thờ,...

    3. Sơ đồ bày biện và hướng dẫn trang trí bàn thờ ngày Tết Nguyên Đán 2024

    3.1. Sơ đồ bày biện bàn thờ

    Trước khi bày biện, trang trí bàn thờ thì gia chủ cần phải nắm rõ các vật dụng thờ cúng cần được đặt ở vị trí nào trên bàn thờ trong dịp Tết.

    Bát hương: Vị trí cần đặt bát hương là phía trước bức ảnh thờ và để ở chính giữa, cách mép rìa bàn thờ một khoảng để đảm bảo cho bát hương không bị rơi và các chén/bát nước cúng sẽ được đặt trước bát hương.

    Đèn dầu/chân nến: Đặt đèn dầu hoặc chân nến ở hai bên sát mép rìa ngoài của bàn thờ để chừa không gian cho các vật dụng khác.

    Đài thờ: Sẽ được đặt bên trái phía sau đèn dầu hoặc chân nến.

    Lọ hoa: Bạn có thể đặt hai bên trái phải để cắm hoa. Trong ngày Tết sẽ có nhiều loại hoa cắm bàn thờ ngày Tết mang ý nghĩa khác nhau.

    Mâm bồng: Mâm bồng nên được đặt trước bát hương dùng để chưng mâm ngũ quả vào dịp Tết. Có thể chia làm ba mâm bồng nhỏ đặt xung quanh nếu bàn thờ có diện tích rộng.

    Bát cơm và đũa thờ: Hai vật này sẽ được đặt bên phải, bên cạnh và nhích xuống phía sau bát hương một khoảng nhỏ.

    Sơ đồ sắp xếp các vật dụng thờ cúng trên bàn thờ gia tiên, các gia đình chưa có điều kiện để lập bàn thờ đầy đủ chỉ cần lưu ý bát hương, đèn thờ/chân nến, đài thờ, lọ hoa, mâm bồng, bát cơm và đũa thờ

    Với những bàn thờ có thêm Ngai thờ và Lư hương:

    - Ngai thờ sẽ được đặt trong cùng, ở trên cao để không bị che lấp bởi các vật dụng thờ cúng khác, có thể xếp thứ tự người cao nhất để thờ phụng hoặc không lập bài vị.

    - Lư hương sẽ được đặt đối diện và ở phía sau bát hương, vì vậy nên để lư hương cao hơn bát hương.

    3.2. Hướng dẫn trang trí bàn thờ đón Tết Nguyên Đán 2024

    Lau dọn bàn thờ

    Việc lau dọn bàn thờ chỉ được làm sau ngày 23 tháng Chạp và tuyệt đối phải hoàn thành xong trước đêm giao thừa để tránh mạo phạm gia tiên và đầu năm kiêng kỵ quét dọn. Theo quan niệm của ông bà ta, trong ngày Tết mà quét dọn thì sẽ quét hết mọi tài lộc ra khỏi nhà.

    Trước khi dọn dẹp bàn thờ, bạn cần tắm rửa sạch sẽ, tuyệt đối không nhờ người ngoài giúp đỡ. Bạn cũng cần chuẩn bị hoa quả đặt lên và thắp nén nhang thông báo để xin phép tổ tiên, khi hương cháy hết mới tiến hành lau dọn.

    Khi lau dọn cần mở rộng các cửa trong nhà, chuẩn bị khăn sạch, vật dụng lau phải là đồ dùng riêng. Nên lau dọn từ trên cao xuống để tránh bàn thờ đặt bên dưới bị bụi bẩn bám vào nếu được lau dọn đầu tiên.

    Nên dùng rượu trắng pha loãng với nước và gừng để lau dọn bàn thờ. Đối với nhà có tượng Phật thì nên thay rượu bằng nước ấm để lau sạch

    Đặc biệt, cần chuẩn bị thêm một chiếc bàn ở trên có phủ vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị và các đồ thờ cúng khác trong lúc dọn dẹp. Nếu gia đình nào có cả bài vị thần linh và bài vị gia tiên thì phải đặt riêng. Sau khi lau dọn bàn thờ sạch sẽ, các đồ thờ cúng cần được đặt lại lên bàn thờ theo đúng vị trí, thứ tự, hạn chế xê dịch.

    Sắp xếp, trang trí bàn thờ ngày Tết

    Để trang trí bàn thờ ngày Tết, bạn có thể dùng hoa, trái cây và bánh chưng như sau:

    - Trang trí bàn thờ ngày Tết bằng hoa: Không phải bất kỳ loài hoa nào cũng có thể trưng lên bàn thờ vào ngày Tết. Hoa cắm cho bàn thờ thường được ưa chuộng như hoa lay ơn (hoa huệ ta), hoa cúc vàng, hoa cúc vạn thọ, hoa đồng tiền, hoa đào hoặc hoa mai. Các loài hoa này đều có hai màu đặc trưng là đỏ hoặc vàng, được xem là hai màu đem lại may mắn, rước tài lộc vào nhà nên được mọi người dùng cho việc trang trí bàn thờ vào ngày Tết.

    Bên cạnh đào, mai, hoa lay ơn và hoa đồng tiền cũng thường được dùng để trang trí bàn thờ ngày Tết

    - Trang trí bàn thờ ngày Tết bằng trái cây: Để tạo thêm điểm nhấn và màu sắc thì trên bàn thờ ngày Tết không thể thiếu các loại quả dùng để chưng trên bàn thờ. Ngoài mâm ngũ quả ra, trên bàn thờ nên có thêm các loại quả khác như dưa hấu, dưa vàng hoặc phật thủ để thể hiện sự sung túc, đủ đầy. Với những loại quả to bày riêng lẻ cần chú ý cân đối, có thể bày theo cặp trên bàn thờ.

    Ngoài mâm ngũ quả, các gia chủ cũng ưa chuộng dùng cặp dưa hấu hình dáng to, tròn để trang trí bàn thờ trong dịp Tết

    Trang trí bàn thờ ngày Tết bằng bánh chưng: Đây là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết vì bánh chưng mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, nhớ đến công ơn sinh thành của bậc cha mẹ.

    >>> Xem thêm: Những mâm ngũ quả ngày Tết sung túc, tài lộc và đầy ý nghĩa của 3 miền Bắc - Trung - Nam

    Ngoài ra, với mỗi vùng miền khác nhau, gia chủ cũng cần lưu ý trang trí bàn thờ ngày Tết sao cho hợp với phong tục của nơi sinh sống. Cụ thể như sau:

    - Ở miền Bắc: Bàn thờ thường được trang trí cầu kỳ và nghiêm cẩn, để lộ 2 cây đèn ra phía ngoài và đặt lọ hoa bên trong để giúp tăng thêm phần sinh khí. Vì đèn sẽ giúp mang đến nguồn năng lượng ấm, xua đuổi được tà khí. Và đồ cúng thông thường không thể thiếu 3 chén rượu, 3 chén nước, hương và hoa tươi. 

    Mâm ngũ quả của miền Bắc thường sẽ có các loại quả: bưởi, chuối, quất, đào, hồng, thanh long,... xếp xen kẽ với nhau để tạo nên nét hài hòa, cân đối. Mỗi loại quả thể hiện một vị trí trong ngũ hành tương sinh. Và tùy vào gia đình thì có thể chọn thêm những loại quả khác nhau để trang trí bàn thờ ngày Tết thêm đẹp và đầy đủ.

    Mâm ngũ quả trang trí bàn thờ miền Bắc thường chuộng nhiều màu sắc, ứng với ngũ hành

    - Ở miền Trung: Bàn thờ của người miền Trung được bày trí mâm ngũ quả với những loại quả có vị ngọt, tròn và lâu hỏng. Đồng thời sử dụng thêm các loại bánh truyền thống để trang trí và làm đồ cúng.

    - Ở miền Nam: Trang trí bàn thờ vào ngày Tết ở miền Nam không cần quá cầu kỳ và nguyên tắc. Tuy nhiên, trên bàn thờ nhất thiết phải có mâm ngũ quả với các loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Các loại quả này thể hiện tâm nguyện của gia chủ trong năm mới: Cầu vừa đủ xài, gia đình sung túc, phát tài phát lộc.

    Mâm ngũ quả miền Nam chú trọng tên và ý nghĩa may mắn của các loại quả

    4. Mẫu trang trí bàn thờ đẹp 2024

    Để giúp các gia chủ dễ hình dung, Happynest tổng hợp lại một số mẫu trang trí bàn thờ ngày Tết đẹp từ đơn giản cho tới kỳ công cho dịp Tết 2024 sắp tới:

    Với các gia chủ mới tân gia, chưa có điều kiện để sắm sửa, trang trí thì trên bàn thờ chỉ cần đảm bảo đủ những vật dụng thờ cúng cơ bản

    Ngoài hoa, quả, bánh chưng, các gia chủ có thể trang trí bàn thờ với bánh mứt, bia, nước ngọt

    Ngoài các bát hương và lọ hoa chính, trong dịp Tết các gia đình có thể trang trí thêm cho không gian thờ cúng bằng các bình hoa ở khu vực xung quanh, và thêm ống cắm nhang nhỏ trên mâm cơm cúng

    Nếu có điều kiện gia đình có thể sắm sửa thêm hoành phi, câu đối, hạc thờ, lư hương, kết hợp vật dụng chất liệu gốm sứ và chất liệu đồng để trang trí bàn thờ thêm trang trọng

    Với những nhà có không gian rộng, có thể thiết kế khu vực thờ cúng gia tiên thành một phòng riêng

    Một bàn thờ Tết trong ngôi nhà kiểu truyền thống

    Bàn thờ Tết trong ngôi nhà hiện đại vẫn có thể được bài trí theo lối ban bệ nhiều tầng

    5. Những lưu ý và kiêng kỵ khi trang trí bàn thờ ngày Tết

    Khi dọn dẹp và trang trí bàn thờ ngày Tết, gia chủ cần lưu ý những vấn đề sau để tránh phạm vào các điều kiêng kỵ gây ảnh hưởng đến gia tiên cũng như tài lộc trong năm tới:

    Đối với vị trí đặt bàn thờ

    Trong trường hợp gia chủ mới lập bàn thờ hoặc muốn kê lại vị trí bàn thờ trong dịp Tết, cần lưu ý kê bàn thờ dựa sát tường, vì đó là nơi vững chắc, phù hợp và trang nghiêm nhất. Bạn nên chọn vị trí cao ráo, yên tĩnh, tránh ồn ào, nhiều người qua lại để không gây kinh động gia tiên và có độ thoáng nhất định để mùi khói hương không làm ảnh hưởng đến không gian trong gia đình.

    Tuyệt đối không được đặt bàn thờ ở vị trí sát nhà tắm, nhà vệ sinh hoặc đối diện với bếp và giường ngủ. Ngoài ra, bạn không nên đặt bàn thờ ở vị trí Đông Bắc nhìn ra hướng Tây Nam và ngược lại.

    >>> Xem thêm: Những lưu ý khi đặt bàn thờ trong phòng khách giúp mang lại tài lộc, sức khỏe

    Bàn thờ cần đặt sát tường trong không gian thông thoáng, yên tĩnh

    Bàn thờ không được quay ngược hướng với cửa chính để tránh những vận xui đến với gia đình, bàn thờ cũng không được đặt ở ngay cửa ra vào (trừ bàn thờ Thần Tài).

    Đối với bát hương

    Bát hương cần phải đặt ở chính giữa bàn thờ vì đây được xem là vật thờ cúng chứa đựng hương hồn của ông bà tổ tiên, là dấu hiệu để dẫn dắt hương linh, thần thánh, tổ tiên chứng giám cho gia đình. Khi dọn dẹp hoặc trang trí bàn thờ, các gia chủ cần đặc biệt lưu ý tránh để đổ vỡ hoặc xê dịch bát hương.

    Nên sử dụng bộ bát hương không có tay cầm, chất liệu bằng gốm sứ, hoặc có thể thay thế bằng chất liệu đồng. Tuyệt đối không dùng bát hương có chất liệu đá hoa cương.

    Khi bạn muốn rút bớt chân nhang ra khỏi bát hương thì nên để lại một ít chân nhang theo số lẻ như 3, 5, 7… thường nên để 3. Phần nhang đã rút ra nên đem hóa vàng hoặc rải ra sông chứ không được vứt vào sọt rác. 

    Đối với hoa trang trí bàn thờ Tết

    Cắm hoa trên bàn thờ ngày Tết tốt nhất nên là hoa tươi, được cắt tỉa gọn gàng. Không nên sử dụng chậu cây, bởi vì đất trên chậu có thể làm bẩn mặt bàn thờ. Tránh sử dụng hoa giả, hoa nhựa để trang trí trên bàn thờ vì đây là điều tối kỵ.

    Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý chọn các loại hoa thích hợp. Không nên sử dụng các loại hoa như là hoa phong lan, hoa nhài, hoa dâm bụt, hoa phù dung để bày bàn thờ vào đầu năm bởi đây là những loài hoa không tốt cho sức khỏe cũng như là sự nghiệp của gia chủ.

    Đối với lễ vật, đồ cúng trên bàn thờ Tết

    Đồ cúng, lễ vật trên bàn thờ ngày Tết phải luôn được chuẩn bị tươm tất. Gia chủ cần đảm bảo trên bàn thờ bày đủ rượu, nước, tiền vàng, mâm ngũ quả. Nến cần được thắp thường xuyên từ đêm Giao thừa đến hết 3 ngày Tết.

    Các đồ cúng, lễ vật chay, mặn khác như xôi, giò, bánh chưng,... sau khi thắp hương xong mới được phép xin xuống tạ lễ, thụ lộc.

    Trên đây là những hướng dẫn và lưu ý trang trí bàn thờ đón Tết Nguyên Đán 2024. Ngoài đảm bảo những nguyên tắc chung trong việc trang trí bàn thờ, bạn có thể dựa vào phong thủy, cung mệnh cũng như thẩm mỹ của bản thân và gia đình để có một không gian thờ tự trọn vẹn, viên mãn nhất nhé.

    Tổng hợp và viết bài: Ngọc Linh

    *Bài viết được biên tập bởi đội ngũ Happynest. Xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

    Cuối năm 2021, Happynest ra mắt ứng dụng chuyên về Nhà ở, đồng thời chính thức "chào sân" lĩnh vực thương mại điện tử với Happynest Shop. Các đơn vị bán hàng xuất hiện trên Happynest Shop đều là những thương hiệu đầu ngành, sở hữu nhóm sản phẩm chính hãng và được Happynest chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. 

    Để tham khảo sản phẩm và đặt hàng, quý khách vui lòng truy cập website / app của Happynest, hoặc liên hệ fanpage Happynest / Happynest Shop để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất. Để cập nhật những chương trình khuyến mãi hot nhất, vui lòng truy cập tại đây.

    Mọi thắc mắc về đơn hàng, vui lòng gọi tới hotline 093 468 06 36, hoặc gửi phản hồi về email info@happynest.vn

    Happynest trân trọng mọi trải nghiệm của khách hàng. Bởi vậy, hãy chia sẻ mức độ hài lòng của bạn với chúng tôi bằng cách tham gia khảo sát này, và để lại những góp ý chân thành nhất tới đội ngũ Happynest bạn nhé! 

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0