Nằm trên một khu đất hướng Tây giữa lòng đô thị, The Steric Spes House là câu trả lời đầy tinh tế cho một bài toán tưởng chừng mâu thuẫn: làm sao để một ngôi nhà vừa riêng tư, râm mát, nhưng vẫn ngập tràn ánh sáng và thông gió tự nhiên? Với ngôn ngữ kiến trúc rõ ràng, lớp vật liệu thống nhất và cách xử lý không gian khéo léo, ngôi nhà 4 tầng này không chỉ là nơi ở mà còn mang ý nghĩa bền vững sâu sắc.
The Steric Spes House - ngôi nhà "biết thở" giữa lòng đô thị
Mặt tiền bằng khối bê tông sợi xi măng – giải pháp cho bài toán đầy thách thức của chủ nhà
Ngay từ đầu, chủ nhà đã đặt ra yêu cầu then chốt với đội ngũ thiết kế rằng: họ cần một không gian sống vừa kín đáo vừa thoáng đãng, không bị ánh nắng Tây khắc nghiệt làm ảnh hưởng. Để giải bài toán này, nhóm thiết kế đã lựa chọn giải pháp mặt tiền cho The Steric Spes House là lớp vỏ thứ cấp làm bằng khối bê tông sợi xi măng màu kem, tạo thành họa tiết lưới trải đều khắp khôi nhà. Mặt tiền “thấm nước” này vừa giúp lọc bớt ánh nắng gay gắt từ phía Tây, vừa cho phép không khí lưu thông suốt toàn bộ công trình. Bên cạnh đó, nó còn tạo thành một lớp màn che nhẹ nhàng với không gian xung quanh, tăng cường sự riêng tư và tạo ra cảm giác tĩnh lặng, thư thái.
Để giải bài toán riêng tư mà vẫn thoáng đãng, lại không bị ảnh hưởng bởi ánh nắng hướng Tây, đội ngũ thiết kế đã áp dụng giải pháp mặt tiền là các khối bê tông sợi xi măng tạo họa tiết lưới
Giải pháp mặt tiền này không chỉ tạo nên vẻ ngoài độc đáo mà còn một trải nghiệm sống tinh tế, an toàn và thoải mái cho gia chủ
Sự liền mạch về vật liệu và tổ chức hình khối là yếu tố then chốt trong thiết kế Steric Spes. Các khối bê tông sợi xi măng màu kem tiếp tục mở rộng lên 3 tầng phía trên, tạo thành các khối xếp chồng. Mỗi khối lại được dịch chuyển nhịp nhàng sang bên phải. Nhờ đó, 90% khối nhà được tách rời khỏi công trình bên cạnh, đảm bảo độ thoáng và tính độc lập
Các khối nhà dịch chuyển dần sang bên phải
Hiệu ứng thị giác “lơ lửng” được tăng cường nhờ tương phản chất liệu: trong khi ba tầng trên sử dụng vật liệu nhẹ và sáng, phần tầng thấp nhất lại được ốp đá tự nhiên và thép đen chắc nặng, tạo cảm giác nền móng vững chãi
Tổng thể tạo nên một trục thị giác có thứ bậc rõ ràng, nhấn mạnh vào sự bay bổng của các khối nhà phía trên
>>> Xem thêm: Nhà hướng Tây tạo “lớp áo” chống nóng hiệu quả từ 25.000 viên gạch so le
The Steric Spes House – Ý nghĩa tên gọi của ngôi nhà thể hiện ngôn ngữ thiết kế tổng thể
Tên gọi “Steric Spes” được đặt ra với hàm nghĩa nhiều tầng. “Steric” là sự kết hợp giữa “stacked” (xếp chồng) và “relic” (di tích), vừa gợi đến kết cấu hình khối vừa mang tính tưởng niệm cho gia đình chủ nhà. Ngoài ra, thuật ngữ cũng bắt nguồn từ ngành khoa học phân tử, ám chỉ cấu trúc không gian ba chiều - một ẩn dụ cho thiết kế mặt đứng dạng lưới và bố cục khối lập phương ba tầng. Từ “Spes” trong tiếng Latinh nghĩa là “hy vọng”, đồng thời phát âm gần giống “space” (không gian), truyền tải ý niệm cảm xúc: đây không chỉ là nơi trú ngụ, mà còn là một biểu tượng của sự kiên cường, hồi sinh và gắn kết lâu dài.
Không gian sống trong The Steric Spes House được phân tầng theo chức năng.
Nằm trên một khu đất rộng 450m2, ngôi nhà 4 tầng có khoảng sàn rộng rãi, thiết kế phân tầng theo nhu cầu của chủ nhà. Tầng trệt gồm phòng ngủ cho khách có nhà vệ sinh riêng, khu dịch vụ và gara rộng rãi có thể chứa tới sáu chiếc xe, đáp ứng đam mê sưu tầm xe của gia chủ. Không gian chuyển tiếp từ gara lên nhà chính được thiết kế khéo léo với sân gỗ nâng và cửa gỗ đôi bề thế, bên cạnh là hồ nước phản chiếu và cây Plumeria mang lại cảm giác thư thái, gần gũi thiên nhiên.
Ga ra rộng rãi có thể chứa đến 6 xe ô tô
Khoảng sàn gỗ tiếp nối chân cầu thang dẫn lên tầng trệt uyển chuyển
Khoảng sàn gỗ cạnh gỗ nước và cây Plumeria tạo cảm giác thư thái
Tầng 2 là tầng sinh hoạt chính của cả gia đình với phòng khách rộng rãi, liên thông với bếp và khu ăn uống. Thay vì phân tách bằng tường, các khu vực được phân chia nhờ vật liệu, cách bố trí nội thất và độ cao không gian. Một đảo bếp trung tâm vừa là nơi chuẩn bị thức ăn, vừa là điểm tụ họp thường nhật. Không gian kéo dài và mở rộng ra sân gỗ và hồ phản chiếu, kết nối liên tầng qua thác nước, tạo sự liên tục về thị giác và âm thanh. Trần phòng khách thấp để tạo cảm giác ấm cúng, nhưng khi bước đến khu vực thông tầng giữa phòng khách và bếp, trần nhà vươn lên gấp đôi chiều cao, tạo nên cảm giác mở rộng và kết nối thẳng lên tầng trên qua khung cửa sổ lớn đón nắng.
Lối cầu thang dẫn lên không gian sinh hoạt chính ở tầng 2
Không gian mở liền mạch và không có tường ngăn
Bếp và khu ăn uống rộng rãi, tiện nghi
Không gian phòng khách thoáng và đẳng cấp, hệ thống tấm bê tông sợi xi măng dạng lưới cũng được ứng dụng trong không gian nội thất
Khu vực hiên phía ngoài, kéo dài ra khoảng thông tầng bên ngoài
Phía cuối cũng là hồ nước, khu vực thư giãn và có cả thác nước liên kết lên tầng trên
Tầng 3 là không gian nghỉ ngơi. Trong đó, hai phòng ngủ của các con có nhà vệ sinh riêng, được bố trí phía trước, đều mở ra sân bên để đảm bảo ánh sáng và thông gió. Đi qua khu vực sân trọng, phía đối diện là phòng ngủ chính với phòng thay đồ, khu vệ sinh rộng rãi có bồn tắm đứng độc lập và một phòng sinh hoạt riêng liền kề không ngăn cách. Một điểm nhấn là ban công kính đáy trong, vừa không chắn tầm nhìn, vừa đón sáng xuống tầng dưới mà vẫn đảm bảo tính riêng tư. Toàn bộ tầng ba sử dụng vật liệu gỗ là chủ đạo, tạo cảm giác như khu nghỉ dưỡng, nhẹ nhàng và yên tĩnh.
>>> Xem thêm: Ngôi nhà hướng Tây vẫn mát rượi nhờ bí quyết thiết kế “độc lạ” này
Phòng ngủ chính đẳng cấp như trong khách sạn
Không gian phòng tắm đầy đủ tiện nghi
Phòng thay đồ sang trọng
Ban công kính phía ngoài có thể nhìn thấy khoảng sàn gỗ ở tầng 2
Tầng 4 là gồm phòng gia đình, phòng làm việc và phòng đa năng thường được dùng để tổ chức các buổi họp mặt nhưng cũng có thể dễ dàng chuyển thành phòng tập thể dục. Phòng đa năng này mở rộng ra ban công lớn phía trước, được che bóng một phần bởi khối nhà bên trên. Những bồn cây xanh bao quanh ban công vừa tạo sự riêng tư vừa giúp làm mềm không gian. Một khu làm việc nhỏ và phòng vệ sinh cho khách được bố trí phía sau. Chiều cao trần ở phòng gia đình được giữ ở mức vừa phải để đảm bảo tổng chiều cao công trình không vượt giới hạn quy hoạch đồng thời giữ cho không gian sinh hoạt thân mật, không quá choáng ngợp.
Phòng gia đình ấm cúng ở trên tầng 4
Cây xanh ở bên ngoài giúp không gian thư thái hơn
Phòng đa năng có thể sử dụng để tổ chức các buổi hội họp hoặc chuyển thành phòng tập thể dục
Thiết kế chuyển tiếp và tương tác nội – ngoại thất mềm mại, uyển chuyển trong The Steric Spes House
Một điểm mạnh trong thiết kế của The Steric Spes House là các khoảng chuyển tiếp tinh tế giữa các không gian, kết hợp giữa sân gỗ, hồ nước, cây xanh và ánh sáng tự nhiên. Những chi tiết này được thiết kế liên tục giữa các tầng, tạo cảm giác xuyên suốt và thư giãn.
Hầu như mọi không gian trong The Steric Spes House 20 đều hội tụ đủ các yếu tố: ánh sáng, thông gió, cây xanh và hồ nước
Hồ nước xuất hiện ở cả 4 tầng của ngôi nhà
Bản vẽ chi tiết vị trí hồ nước ở các tầng
Lối cầu thang ngoài trời nối từ gara lên tầng hai không chỉ là điểm nhấn điêu khắc, mà còn là cầu nối thị giác và cảm xúc giữa các tầng
Các khu vực cầu khác trong nhà đều có sự liên kết với khoảng ban công gỗ
Khoảng ban công này cung cấp nơi thư giãn, ngắm nhìn cảnh quanh xung quanh cho gia chủ
Hệ thống chiếu sáng tự nhiên, mặt đứng của các khối bê tông sợi xi măng khung lưới xuyên từ ngoài vào trong trần nhà, tạo hiệu ứng xuyên suốt, như thể lớp vỏ ngoài của công trình được kéo dài vào nội thất. Từ mọi góc nhìn, trong nhà hay ngoài sân, ánh sáng, bóng đổ và cây xanh luôn là phần không thể thiếu.
Hệ thống tấm bê tông sợi xi măng dạng lưới là một điểm nhấn đặc trưng của The Steric Spes House
Đây là chi tiết gỡ bỏ nút thắt các nhu cầu của chủ nhà
Ánh sáng xuyên qua giếng trời, khối bê tông sợi xi măng dạng lưới và tán cây xanh tạo nên hiệu ứng “bóng đổ” thay đổi theo thời gian, mang lại chiều sâu cảm xúc cho không gian sống
The Steric Spes House là câu trả lời cho một bài toán tưởng chừng như không có lời giải của gia chủ. Từ sự đan xen giữa ánh sáng, vật liệu, không gian, đến sự liên tục giữa trong và ngoài, công trình thể hiện sự khéo léo trong tổ chức không gian sống hiện đại: nơi con người tìm thấy sự yên bình, kết nối và hy vọng – mang ý nghĩa đúng như tên của ngôi nhà.
Bản vẽ chi tiết công trình
>>> Xem thêm: Nhà hướng Tây ứng dụng hệ lam mặt tiền, giếng trời và thông tầng, tạo không gian thoáng mát cho gia đình 3 người
Thông tin công trình:
Tên ngôi nhà: The Steric Spes House
Diện tích thực tế (m2): 450
Tổng diện tích (m2): 1030
Năm hoàn thành: 2024
Đơn vị thiết kế: Gets Architects
Đơn vị chụp ảnh: Mario Wibowo
Địa điểm: Tây Jakarta, Indonesia
Số tầng: 4
Số phòng ngủ: 4
Loại nhà: Nhà hướng Tây
Nguồn: Archdaily
*Để lại thông tin trong box dưới đây, Happynest sẽ giúp bạn kết nối đơn vị thiết kế - thi công phù hợp và nhanh chóng nhất.