Nhắc đến nhịp điệu, chúng ta thường nghĩ ngay đến âm nhạc. Nhịp điệu là yếu tố kết hợp các câu, đoạn hay điệp khúc trong bài hát lại với nhau. Nhịp điệu trong thiết kế nội thất cũng hoạt động theo cách tương tự. Mặc dù bạn có thể không nhận ra sự tồn tại của nhịp điệu trong thiết kế nhưng chúng vẫn âm thầm kết nối các yếu tố thiết kế cá nhân của bạn lại một cách hài hòa.
Nhịp điệu là một thành phần cơ bản trong thiết kế nội thất
Nhiều người tin rằng: nhịp điệu chính là yếu tố bí mật để tạo nên một thiết kế thành công. Nó giúp cho những đồ nội thất cao cấp thêm phần sang trọng. Và nếu bạn nhận thấy đồ nội thất trong nhà chưa thực sự liên kết với nhau, chứng tỏ rằng nhịp điệu thiết kế đang gặp vấn đề.
Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được nhịp điệu trong thiết kế là gì? Nó hoạt động như thế nào? Phải làm sao để phát huy tác dụng của nhịp điệu trong thiết kế? Nhưng chắc chắn rằng, khi bạn đã hiểu được những kiến thức đó và áp dụng vào không gian sống, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mà nhịp điệu trong thiết kế mang lại.
Nhịp điệu trong thiết kế nội thất là gì?
Trước tiên, bạn cần hiểu rằng nhịp điệu là 1 trong số 7 nguyên tắc thiết kế nội thất. Nhịp điệu trong thiết kế nội thất giúp chúng ta có thể hình dung được vị trí sắp xếp của các đồ đạc trong nhà sao cho hài hòa nhất. Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chúng ta nhận thức ra sao về chức năng và tính thẩm mỹ trong không gian.
Có 5 yếu tố kỹ thuật thuộc nguyên tắc nhịp điệu trong thiết kế nội thất để bạn áp dụng, cụ thể là:
-Sự lặp lại (Repetition): Là việc lặp đi lặp lại một mô hình trong không gian để tạo được cảm giác ổn định.
-Sắp đặt tăng dần (Gradation): Là việc sắp đặt, bố trí có tính tăng dần từ cuối không gian này sang không gian khác.
-Chuyển tiếp (Transition): Là việc cho phép một yếu tố thiết kế (thường là hình dạng) di chuyển từ điểm này qua điểm khác để tạo sự liền mạch, không bị gián đoạn.
-Tương phản (Contrast): Sự tương phản được tạo ra khi một yếu tố thiết kế trái ngược hoàn toàn với yếu tố khác, tạo được sự thú vị giữa 2 yếu tố này.
-Bức xạ (Radiation): Là viêc một số yếu tố thiết kế kết hợp với nhau tạo nên sự cân bằng xung quanh đối tượng trung tâm.
Trong thực tế, bạn không cần thiết phải sử dụng cả 5 yếu tố kỹ thuật này trong một dự án. Bạn chỉ cần linh hoạt ứng dụng 1 hoặc 2 thành phần khác nhau để tạo nên sự thống nhất nhưng vẫn có điểm nhấn, tránh bị nhàm chán.
Nhịp điệu trong thiết kế nội thất giúp không gian trở nên hài hòa và thống nhất
Cách ứng dụng các yếu tố kỹ thuật trên vào không gian sống
Sau khi đã tìm hiểu lý thuyết về các yếu tố kỹ thuật của nhịp điệu trong thiết kế nội thất, điều bạn cần quan tâm tiếp theo là làm thế nào để ứng dụng chúng vào thực tế. Về cơ bản, không có một nguyên tắc nào quy định việc kết hợp cả bởi nó phụ thuộc vào con mắt thẩm mỹ của bạn và không gian thực tế. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số ví dụ sau đây.
Sự lặp lại được thể hiện qua cách kết hợp một loạt các hình mẫu giống nhau ở khung vải đầu giường
Một gợi ý khác của sự lặp lại là sử dụng các thành phần kiến trúc chức năng liên tục (ví dụ như cột) để làm nổi bật bố cục trong không gian
Xu hướng ombre: màu sắc chuyển dần từ sáng qua tối cũng là một ví dụ điển hình của yếu tố sắp đặt tăng dần
Đồ nội thất có dáng cong được đặt ở khu vực ghế ngồi là một minh họa cho yếu tố chuyển tiếp
Hành lang được bố trí đặc biệt để người dùng có thể di chuyển từ cuối phòng này sang phòng khác cũng thể hiện được sự chuyển tiếp
Sử dụng hai tông màu đối diện nhau trên vòng tròn màu sắc là ví dụ dễ hiểu nhất cho sự tương phản
Kết hợp 2 chất liệu đối nghịch là gỗ và kim loại cũng cũng thể hiện được sự tương phản
Bộ ghế đặt xung quanh một chiếc bàn tròn chính là minh họa cho yếu tố bức xạ trong nhịp điệu thiết kế nội thất
Nhịp điệu trong thiết kế nội thất thường dựa vào cảm nhận thay vì những phép đo đạc chính xác. Hãy sử dụng đôi mắt, sự tưởng tượng để tạo nên phong cách thiết kế trong không gian sống của riêng bạn.
Những lợi ích mà nhịp điệu thiết kế mang lại
Chúng ta thường mất nhiều thời gian để bàn về những thiết kế đơn lẻ như đồ nội thất, nghệ thuật sắp xếp trên tường, đồ trang trí bằng vải… Nhưng cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn làm làm thế nảo để kết hợp tất cả những thiết kế đơn lẻ đó thành 1 tổng thể thống nhất, hài hòa và cân bằng. Đó chính là nhịp điệu thiết kế nội thất.
Nhịp điệu tạo nên sự thống nhất
Để nhấn mạnh sự quan trọng của nhịp điệu thiết kế nội thất, đã có những nghiên cứu về tâm lý cho lĩnh vực này. Theo Gestalt Psychology (Tâm lý học hình thức) – một trường pháp tập trung vào nhận thức – thì bộ não của chúng ta xử lý thông tin bằng cách tối giản các dạng mô hình được nhận diện. Nói cách khác, chúng ta sẽ phát hiện chức năng của căn phòng (ví dụ như phòng ăn) trước khi tập trung vào bất kỳ yếu tố đơn lẻ nào khác.
Sự bố trí, sắp đặt để truyền tải thông tin càng đơn giản thì chúng ta sẽ càng thấy nó có tính thẩm mỹ cao. Vậy nên, khi ứng dụng tốt nhịp điệu trong thiết kế nội thất, người nhìn sẽ nắm bắt phong cách chủ đạo càng nhanh và do đó, tính thẩm mỹ cũng được đánh giá cao hơn.
Nhịp điệu tôn lên tính thẩm mỹ trong không gian
Với những lợi ích đó, các bạn hãy bắt đầu nghĩ về nhịp điệu trong thiết kế nội thất ngay từ hôm nay. Đây là một nguyên tắc thiết kế thể hiện được sự tinh tế, có tác động lớn đến cảm nhận của người khác về thiết kế của bạn. Chúc các bạn thành công.
Bài viết: Thu Hằng