Để tránh tình trạng lún lệch hay co ngót, các công trình lớn, nhỏ đều sử dụng những khe co giãn, nhằm giúp công trình chuyển dịch theo yêu cầu của từng loại kết cấu. Tuy vậy, việc chống thấm khe co giãn không phải đơn giản, và nếu không chống thấm khe co giãn đúng cách, gia chủ có thể gặp nhiều rắc rối trong quá trình sinh hoạt sau này.
*Tham khảo Hướng dẫn đăng bài trên website Happynest tại đây để kết nối với cộng đồng Happynest nhé.
Khe co giãn là gì?
Khe co giãn, hay còn gọi là khe lún, khe nứt, khe nhiệt,... là khoảng trống kết cấu của dầm và là khoảng hở hẹp cắt dọc công trình từ phần móng đến mái để chia công trình thành hai khối riêng biệt.
Bộ phận này giúp công trình chuyển dịch theo yêu cầu của từng loại kết cấu, phụ thuộc vào tốc độ gió, địa chất, sụt lún, chuyển vị, giãn nở nhiệt,…
Một số các loại khe co giãn phổ biến có thể kể đến như:
- Khe co giãn nhiệt: Là một khoảng hở hẹp để phân tách công trình thành hai khối riêng biệt. Khe nhiệt nhằm hạn chế ảnh hưởng bởi lực co giãn do thay đổi nhiệt độ tới kết cấu công trình. Một công trình có chiều dài lớn (thường tính 40m) sẽ dễ bị rạn nứt khi thời tiết, nhiệt độ thay đổi. Do đó tùy vào kích cỡ, quy mô công trình, đặc điểm địa chất nền mà người ta thiết kế một khe co giãn nhiệt phù hợp. Kích thước 1 khe co giãn nhiệt thường dao động từ 1,5 đến 5cm. Khe nhiệt chỉ cắt qua thân mà không cắt qua móng công trình, khe nhiệt bắt đầu từ một vị trí bất kỳ và kết thúc ở phần mái.
- Khe kháng chấn: Khe kháng chấn là một loại khe co giãn phân tách công trình gần giống khe nhiệt, nhằm bảo vệ công trình khỏi các rung chấn địa chất như động đất, rung chấn do xây dựng công trình lớn xung quanh. Những công trình dân dụng thông thường không tính đến việc bảo vệ này. Do đó, chúng thường bị hư hại khi có xây dựng cầu đường, cao ốc quanh đó. Chẳng hạn như cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã khiến rất nhiều nhà ở khu vực Phú Thọ, Yên Bái bị nứt dọc và gãy móng.
- Khe lún: Khe Lún cũng là một loại khe co giãn như khe nhiệt, khe kháng chấn. Nhưng khác là khe lún không chỉ cắt qua thân công trình, mà còn cắt qua móng công trình. Tức là cắt đôi toàn bộ công trình thành hai khối hoàn toàn riêng biệt, đảm bảo hai phần chuyển vị độc lập. Nhằm hạn chế ảnh hưởng do sụt lún gây ra. Khoảng cách khe lún thường là từ 24m trở lên.
Khe co giãn nói chung được bố trí khi kích thước mặt bằng lớn vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với xây dựng và an toàn công trình. Với kết cấu khung bê tông cốt thép toàn khối, tường ngoài lắp ghép thì khoảng cách khe co giãn là 65m. Nếu tường ngoài liền khối thì phải bố trí khe co giãn với mật độ cao hơn, là 45m. Các loại khe co giãn, khe kháng chấn, khe lún thường bố trí trùng nhau.
Khe co giãn là hạng mục quan trọng trong dù là công trình lớn hay nhỏ
Tại sao cần phải chống thấm khe co giãn?
Vì đặc thù của khe co giãn kết cấu là bị hở hoàn toàn, việc này vô tình làm cho tình trạng thấm nước rất dễ dàng và có thể lan rộng nhanh chóng. Bên cạnh đó do vị trí này luôn luôn bị chuyển vị nên công tác chống thấm gặp nhiều khó khăn. Nếu không ý thức được tầm quan trọng của việc chống thấm khe co giãn và tiến hành bài bản ngay từ các bước đầu, gia chủ có thể gặp rất nhiều rắc rối và phiền toái trong quá trình sinh hoạt lâu dài.
Các phương pháp chống thấm khe co giãn phổ biến
-
1. Sử dụng tôn 3 ly ở mạch dừng
-
Hình ảnh tôn 3 ly
Phương pháp sử dụng tôn 3 ly ở mạch dừng được sử dụng phổ biến ở những năm 80 của thế kỷ XX. Khi đó, cách xây dựng của nước ta chịu nhiều ảnh hưởng từ Liên Xô. Do đó, khi chống thấm khe lún, người ta thường dùng lá hợp kim để chặn nước. Sau này thì lá hợp kim được thay thế bằng tôn 3 ly.
Tuy nhiên, phương pháp này không đạt hiệu quả cao. Tấm lá tôn này còn bị ảnh hưởng lớn từ môi trường bên ngoài, dễ bị han gỉ, ăn mòn nhanh.
2. Băng cản nước
Sử dụng băng cản nước là phương pháp phổ biến nhất hiện nay
Dải Waterstop PVC hay sợi dừng nước Waterstop bentonite, sợi gốc cao su là những công cụ được sử dụng khá phổ biến để chống thấm khe nứt, nhất là sợi dừng nước bentonite.
Sợi dừng nước bentonite là một loại hợp chất gốc sodium bentonite. Nó thích hợp với nhiều bề mặt công trình cũng như các mạch nối phức tạp bằng cách đóng đinh hoặc dán.
Vật liệu này có nhiều ưu điểm nổi bật như: Trọng lượng nhẹ, cuộn mềm dẻo, bám dính chặt lên bề mặt bê tông ống nhựa, ống thép. Bên cạnh đó, phương pháp này thi công dễ dàng, mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, chúng cũng tồn tại một số nhược điểm là cần thi công trong điều kiện khô ráo. Trong thời gian 3 – 5 ngày kể từ ngày lắp đặt, nếu không tính năng trương nở sẽ bị suy giảm do tiếp xúc với độ ẩm
Đây là phương pháp được sử dụng rất nhiều trong việc chống thấm khe co giãn.
3. Tưới xi măng hòa với nước lên mạch dừng trước khi đổ bê tông
Đây là phương pháp được nhiều nhà thầu nghiệp dư làm. Họ cho rằng sẽ hạn chế được hiện tượng bông rỗ chân mạch khi đổ xi măng trộn với nước vào mạch dừng. Nhưng thực tế, việc này hoàn toàn không có hiệu quả trong công cuộc chống thấm.
4. Sử dụng vật liệu kết nối
Vật liệu kết nối cũng là một trong những phương pháp được nhà thầu sử dụng nhiều
Một số vật liệu kết nối dạng keo như polymer, epoxy,… khá hiệu quả khi sử dụng trong việc liên kết bê tông cũ mới, sửa chữa bê tông hay xử lý các dạng mạch ngừng có thể tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, một số vật liệu kết nối khác còn có thể liên kết bê tông với ống thép, ống nhựa xuyên sàn để ngăn chặn việc chảy nước lưng ống. Nhưng phương pháp này lại không thể sử dụng cho mạch ngầm.
Do đó, tùy vào mỗi công trình khác nhau mà gia chủ có thể sử dụng phương pháp chống thấm khe co giãn khác nhau.
Trên đây là 4 phương pháp chống thấm khe co giãn phổ biến. Hy vọng độc giả đã được cập nhật những thông tin cơ bản về khe co giãn và lựa chọn được phương pháp chống thấm khe co giãn phù hợp cho công trình của mình.
Tổng hợp
*Để lại thông tin trong box dưới đây nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm đơn vị thiết kế - thi công nhà ở nhé.