Thời tiết nồm ẩm khiến ngôi nhà của bạn luôn trong tình trạng ướt át, ẩm mốc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống. Để hạn chế vấn đề không mấy dễ chịu này, Happynest sẽ chia sẻ với bạn những bí quyết giúp chống nồm ẩm hiệu quả và an toàn.
Chống nồm ẩm cho nền nhà
Thiết kế nền nhà bằng vật liệu truyền nhiệt tốt
Nồm ẩm xảy ra khi nguồn không khí ẩm ngoài biển thổi vào gặp lớp không khí lạnh ở tầng thấp trong đất liền làm cho nhiệt độ của sàn nhà, tường nhà thấp hơn hoặc bằng với nhiệt độ của không khí tiếp xúc với nó. Do đó việc thiết kế nền nhà bằng vật liệu truyền nhiệt tốt thay vì vật liệu cách nhiệt tốt là một trong những biện pháp hiệu quả. Để làm được điều này bạn có thể tăng nhiệt độ mặt sàn bằng năng lượng nhân tạo như dùng điện trở làm ấm mặt sàn, từ đó hạn chế được tình trạng “đổ mồ hôi” của sàn nhà.
Dùng điện trở làm ấm mặt sàn, từ đó hạn chế được tình trạng “đổ mồ hôi” của sàn nhà
Lựa chọn vật liệu có khả năng hút ẩm cao
Xỉ than là một trong những vật liệu xây dựng có khả năng thấm hút hiệu quả, là bí quyết xây nhà của người Pháp để khắc phục ảnh hưởng khi trời nồm. Trên thực tế, phương pháp này cũng được áp dụng phổ biến trong nhà ở vùng Bắc Bộ và Trung Bộ - nơi hiện tượng nồm ẩm diễn ra mạnh mẽ mỗi năm.
Xỉ than là vật liệu có khả năng hút ẩm cao, rất được ưa chuộng trong xây dựng nhà ở chống nồm
Quy trình cụ thể sử dụng xỉ than khi làm nền nhà:
- Đào nền nhà sâu khoảng từ 50-75cm sau đó san bằng nền đất rồi đổ cát vàng dày khoảng 35-45cm. Tiếp tục san bằng và đổ xỉ than khoảng 25-30cm.
- Dầm đều nền và bổ sung thêm cát vàng vào lớp xỉ than sau đó tưới nước đều sao cho nền được phân lớp rõ rệt: lớp cát vàng ở dưới và xỉ than ở trên.
- Trộn đều xi măng và cát vàng rồi rải lên lớp xỉ than với độ dày khoảng 2cm.
- Tráng một lớp vữa xi măng cát đen rồi lát gạch nền.
Ngoài ra, để chống nồm ẩm cho nền nhà bạn có thể vận dụng các phương pháp cấu tạo thích hợp giúp phòng chống và hạn chế tình trạng nước ngưng tụ trong kết cấu sàn khi trời chuyển nồm bao gồm:
- Cách nhiệt sàn nhà bằng lớp cát khô, dày khoảng 200 – 300mm. Có thể cho thêm lớp xi măng – cát vàng, bitum cao su để tăng khả năng chống nồm cho kết cấu sàn.
- Sử dụng lớp xỉ lò dạng hạt, cao, dày từ 100 – 200mm để cách nhiệt sàn nhà.
- Làm lớp cách nhiệt cho nền nhà bằng bê tông lưới thép mặt Granito 400x400x200mm có chân cao 20mm.
Chống nồm hiệu quả bằng sàn nhà 3D Panel
- Thêm cát khô đẫm kỹ dày hơn 100mm hoặc đá cuội trên lớp đất nện, dưới lớp bê tông gạch đá để tăng khả năng thoát nước của nề.
- Nền nhà được cách nhiệt bằng lớp gạch rỗng 4 lỗ chữ nhật hoặc bằng lớp polystirol cường độ cao hay bằng vật liệu cách nhiệt hỗn hợp bao gồm một lớp gạch xốp cách nhiệt, một lớp polystyrol, một lớp cách nước bằng bitum cao su, giữa các lớp là keo dán.
- Phần tiếp giáp giữa mặt sàn và tường cần vun thêm một lớp xi măng – cát vàng mác cao hoặc một phần viên gạch lát sàn để ngăn nước từ dưới lòng đất ngấm vào tường, sàn.
Chống nồm ẩm cho tường nhà
Hiện nay trong quá trình xây mới hay sửa chữa nhà cửa, để chống nồm cho tường nhà, người ta thường đặt các tấm chắn kim loại hoặc khoan các lỗ. Trong đó giải pháp khoan các lỗ trên tường được sử dụng phổ biến hơn cả.
Nồm ẩm dễ khiến tường nhà bị ẩm ướt, mọc rêu hay bị mốc khiến ngôi nhà của bạn mất đi vẻ đẹp vốn có
Thông thường quá trình khoan lỗ cần thực hiện 3 lần. Các lỗ khoan có đường kính 30mm, được khoan chếch nhau một góc 30 độ trên bề mặt tường theo một cốt nhất định. Các lỗ này được lấp bằng một loại dung dịch đặc biệt bằng tác động của áp lực cho đến khi lấp đầy hoàn toàn các mao. Từ đó các lớp mao sẽ trở thành lớp chống thấm, không khí ẩm hiệu quả.
Nồm ẩm không còn là vấn đề khi bạn áp dụng những giải pháp khắc phục trên đây. Việc hạn chế nồm ẩm ngay trong khâu thiết kế, xây dựng thật sự cần thiết để ngôi nhà của bạn lúc nào cũng sạch đẹp và không lo sức khỏe của gia đình bị ảnh hưởng. Bạn hãy cùng chia sẻ thêm với Happynest những cách hạn chế nồm ẩm trong thiết kế nhà ở mà bạn thấy hiệu quả nhé!
Bài viết: Như Trang