Dù thường bị xem nhẹ, nhưng tê tay chân kéo dài có thể là biểu hiện sớm của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tình trạng tê tay, tê chân nếu xuất hiện thường xuyên, kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác thì không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến thần kinh, tim mạch hoặc xương khớp, cần được theo dõi và xử lý kịp thời.
Tê tay do gout: khi axit uric tấn công dây thần kinh
Người mắc bệnh gout không chỉ đau nhức khớp mà còn có thể bị tê tay khi axit uric kết tinh và lắng đọng tại các dây thần kinh, gây chèn ép dẫn đến sưng tấy, phù nề. Đây thường là dấu hiệu cho thấy bệnh đang chuyển sang giai đoạn viêm khớp cấp tính, đòi hỏi phải can thiệp điều trị sớm để tránh biến chứng như biến dạng khớp hay suy thận.
Nên điều chỉnh chế độ ăn bằng cách hạn chế thực phẩm nhiều purin như nội tạng, hải sản, măng và nấm để kiểm soát triệu chứng gout hiệu quả hơn.
Giai đoạn viêm khớp cấp tính của gout có thể khiến dây thần kinh bị chèn ép và gây tê tay chân.
Tê liệt nửa người cảnh báo nguy cơ nhồi máu não
Nếu tê tay chân xuất hiện kèm theo những dấu hiệu như nói lắp, méo mặt, mờ mắt một bên hoặc mất thăng bằng, thì rất có thể đây là cảnh báo sớm của một cơn nhồi máu não. Khi não bị thiếu máu cục bộ, các dây thần kinh điều khiển vận động bị tổn thương và ảnh hưởng đến cảm giác ở tay, chân hoặc nửa người.
Ngay khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ tai biến, cần gọi cấp cứu để can thiệp y tế kịp thời, tránh di chứng nặng nề.
Tê tay chân đi kèm rối loạn ngôn ngữ và vận động có thể là dấu hiệu sớm của tai biến mạch máu não.
Bệnh tiểu đường gây tê đều hai bên tay chân
Tiểu đường lâu ngày có thể gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên, khiến người bệnh bị tê đối xứng ở cả hai chân tay, cảm giác như châm chích hoặc kiến bò, đặc biệt vào buổi tối. Các biểu hiện như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhanh cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường đang tiến triển nặng.
Chế độ ăn giàu rau xanh, ít dầu mỡ và kiểm soát lượng thịt tiêu thụ hàng ngày là giải pháp cần thiết để kiểm soát biến chứng thần kinh do tiểu đường.
Tiểu đường có thể gây biến chứng thần kinh ngoại biên, biểu hiện qua tê đối xứng ở tay và chân.
Huyết áp cao cũng gây tê tay chân về đêm
Không ít người cao huyết áp phàn nàn về cảm giác tê tay chân, đặc biệt là khi nằm nghỉ ban đêm. Lý do là huyết áp tăng cao ảnh hưởng đến tuần hoàn máu não, gây thiếu máu nhẹ tại các chi. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, người bệnh cần theo dõi huyết áp và sử dụng thuốc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài dùng thuốc, duy trì chế độ ăn nhạt và tránh căng thẳng là giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị cao huyết áp.
Tăng huyết áp có thể khiến máu lên não kém, gây tê tay chân, đặc biệt rõ ràng vào ban đêm.
Tê lan dọc cánh tay do thoái hóa đốt sống cổ
Tình trạng thoái hóa các đốt sống vùng cổ có thể gây chèn ép rễ thần kinh, khiến người bệnh bị tê lan từ ngón tay lên đến cánh tay. Đi kèm với đó là cảm giác giảm lực cầm nắm, đau vai gáy và đôi khi mất linh hoạt ở chi trên. Đây là bệnh lý phổ biến ở người làm văn phòng, hoặc những ai thường xuyên cúi đầu, ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
Người bệnh có thể tự kiểm tra bằng cách nâng tay và quay cổ nhẹ nhàng, nếu thấy đau lan hoặc tăng tê, cần đi khám chuyên khoa xương khớp.
Thoái hóa đốt sống cổ dễ gây tê tay do ảnh hưởng đến rễ thần kinh cổ.
Tê ngón tay, bàn tay vì hội chứng ống cổ tay
Đây là hội chứng thường gặp ở những người làm việc văn phòng, sử dụng máy tính hoặc điện thoại quá nhiều. Bệnh nhân thường thấy tê ở các ngón tay (trừ ngón út), đặc biệt vào ban đêm. Nếu để lâu không điều trị, có thể dẫn đến mất cảm giác, yếu cơ, thậm chí teo cơ và hoại tử đầu ngón tay.
Giảm sử dụng các thiết bị điện tử, massage tay thường xuyên và đeo nẹp cổ tay vào ban đêm là những cách hỗ trợ cải thiện triệu chứng hiệu quả.
Hội chứng ống cổ tay gây tê ở các ngón và lòng bàn tay, dễ bị nhầm lẫn với mỏi tay thông thường.
Tình trạng tê tay, chân nếu chỉ xảy ra thoáng qua thì không đáng lo, nhưng nếu kéo dài, tái diễn hoặc kèm theo những triệu chứng khác như đau đầu, mỏi cổ, yếu cơ, nói lắp… thì cần đi khám càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán sớm nguyên nhân sẽ giúp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm về sau. Tê tay chân là triệu chứng không nên xem nhẹ vì có thể liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống.
Nguồn: ngoisao.vnexpress
*Để lại thông tin trong box dưới đây, Happynest sẽ giúp bạn kết nối đơn vị thiết kế - thi công phù hợp và nhanh chóng nhất.