KTS Lại Thành Tín: "Mỗi ngôi nhà là một hành trình cảm xúc cá nhân hóa"

    Cập nhật ngày 06/12/2024, lúc 10:001.472 lượt xem

    Cuộc thi “Phong cách hóa không gian” do Happynest và LG tổ chức không chỉ là một sân chơi sáng tạo dành cho các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất mà còn là nơi kết nối những tâm hồn yêu nhà. Đây là cơ hội để các KTS thể hiện bản lĩnh thiết kế và chia sẻ niềm đam mê của mình. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với KTS Lại Thành Tín, một trong những kiến trúc sư nổi bật tham gia cuộc thi này.

    KTS Lại Thành Tín hiện đang tham gia thỉnh giảng tại khoa Nội thất, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Anh là chủ nhiệm văn phòng thiết kế Studio 54+. Với gần 15 năm hành nghề, KTS Lại Thành Tín đã đạt được một số thành tựu như giải B cuộc thi Thiết kế nhà ở nông thôn do Bộ Xây dựng tổ chức, giải nhất cuộc thi Đánh thức không gian do Hội đồng Anh và Báo Thể thao Văn hóa tổ chức, giải C Vifotech sáng tạo kỹ thuật và hơn 10 giải thưởng khác.

    Xin chào KTS Lại Thành Tín, điều gì đã thúc đẩy anh trở thành một kiến trúc sư và trở nên nổi tiếng với niềm đam mê này?

    Gia đình tôi có nghề mộc, một trong những thương hiệu đồ mộc nổi tiếng ở TP Vinh. Bố mẹ đã định hướng tôi theo ngành kiến trúc - nội thất từ khá sớm. Trong quá trình học tập, tôi có cơ duyên làm phó Hội sinh viên Kiến trúc Việt Nam, tiếp xúc với nhiều KTS lớn, học hỏi nhiều tư tưởng nghề nghiệp, giúp tôi định hình con đường hành nghề khá sớm. Những cuộc hội thảo, triển lãm đã giúp tôi thêm yêu nghề, yêu văn hóa bản địa và tìm ra con đường hành nghề như hiện nay.

    Triết lý thiết kế của anh là gì và anh áp dụng nó vào công việc hàng ngày như thế nào?

    Triết lý thiết kế của tôi được hình thành từ những buổi hội thảo về văn hóa Việt, đặc biệt là sự linh động và đa năng trong không gian văn hóa Việt, cùng với đam mê về văn hóa và tâm lý học. Tôi luôn muốn cá nhân hóa không gian sống, đem lại một hành trình cảm xúc mang tính cá nhân của chính những người ở trong không gian. Mỗi ngôi nhà là một cá tính, một thẩm mỹ dựa trên chính chủ nhà, không phải là một công trình nhân danh sở thích của người thiết kế. Concept thiết kế của tôi luôn mang hơi thở của thời đại, đáp ứng yêu cầu về chức năng và thẩm mỹ.

    Trong quá trình thiết kế, anh chú trọng đến yếu tố gì nhất và tại sao?

    Tôi chú trọng đến tính khoa học về không gian ở, bao gồm ánh sáng, thông gió, kết cấu và chức năng. Những yếu tố này đảm bảo chất lượng sống của từng cá nhân trong căn nhà. Tiếp đó, tôi ưu tiên trải nghiệm cá nhân và nhu cầu ở của từng cá nhân, tạo ra sự kết nối giữa căn nhà và con người. Cuối cùng là yếu tố văn hóa sinh hoạt của gia đình, tạo tiền đề bằng không gian để kiến tạo các hành vi cộng đồng.

    Làm thế nào anh nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong các dự án thiết kế của mình?

    Trước tiên, tôi cung cấp bức tranh toàn cảnh cho khách hàng, bắt đầu bằng bài toán kinh tế, diện tích, số phòng ngủ, và khả năng tài chính. Sau đó, tôi gửi bảng điều tra về nhu cầu sử dụng và số lượng đồ đạc trong nhà. Giai đoạn này giúp khách hàng hình dung cuộc sống của họ và đảm bảo căn nhà mới đáp ứng đầy đủ các nhu cầu hiện tại. Đây cũng là giai đoạn phỏng vấn và đưa ra các nhận định về tính cách của các thành viên để tạo ra hành trình cảm xúc phù hợp.

    Anh đã từng gặp phải thách thức lớn nào trong một dự án thiết kế và làm thế nào anh đã vượt qua nó?

    Thách thức lớn nhất là cụ thể hóa thẩm mỹ cá nhân và tối đa hóa công năng sử dụng. Khách hàng thường không rõ ràng về gu thẩm mỹ và nhu cầu của bản thân, dẫn đến sự giằng co trong quá trình thiết kế. Tôi sử dụng các tiêu chí thực tế khoa học để lấy làm căn cứ, giúp khách hàng nhìn nhận rõ khả năng thực tế của mình và đưa ra lựa chọn phù hợp.

    Anh nhìn nhận thế nào về vai trò của tính bền vững trong thiết kế nhà ở và làm thế nào anh thúc đẩy phát triển bền vững trong các dự án của mình?

    Trong tất cả các dự án, tôi đề cao tính cá nhân, tạo ra một căn nhà đáp ứng tối đa nhu cầu. Với các chủ nhà có nhu cầu cao về tính bản địa và giao tiếp với thiên nhiên, tôi sử dụng giải pháp tối ưu về đầu tư, thẩm mỹ, chất lượng không gian và vật liệu bản địa. Với những gia đình chưa muốn “dấn thân” vào thiên nhiên, việc sử dụng tối đa vật liệu và chức năng là lựa chọn hàng đầu của bền vững.

    Theo anh, mối quan hệ giữa kiến trúc và tinh thần con người như thế nào và làm thế nào anh áp dụng điều này vào thiết kế?

    Một ngôi nhà được cấu thành bởi khoa học về chức năng tối đa và thẩm mỹ cá nhân sẽ tạo được tính kết nối về mặt tinh thần cho người ở. Tôi luôn lưu tâm đến tác động của không gian thông qua thị giác và giác quan của người dùng, ví dụ như màu sắc và tạo hình của đồ đạc, các yếu tố gây bùng phát cảm xúc, thiết kế phù hợp cho các lứa tuổi khác nhau.

    Anh thấy rằng yếu tố nào của môi trường xã hội và văn hóa địa phương ảnh hưởng lớn nhất đến thiết kế của anh?

    Trong văn hóa luôn có tính tiếp biến, dù làm concept quốc tế nào thì vẫn thông qua con mắt, thái độ, thói quen và quan niệm của người Việt. Tôi gửi gắm các mô thức không gian truyền thống vào không gian cộng đồng hoặc sinh hoạt chung, nhấn mạnh tính tầng bậc của các không gian theo quan niệm của người Việt.

    Anh cảm thấy thế nào khi thấy một dự án thiết kế của mình đã tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của người dùng?

    Khi khách hàng phản hồi lại bằng sự hài lòng và tình yêu với căn nhà, đó là niềm vui và lời khẳng định giúp tôi tự tin hơn với định hướng cá nhân hóa không gian bằng hành trình cảm xúc.

    Cuối cùng, anh có lời khuyên nào dành cho các kiến trúc sư mới vào nghề để phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này?

    Nghề kiến trúc không bao giờ là một nghề kỹ thuật thuần túy, mà bao hàm tính văn hóa, xã hội và cá nhân. Kiến trúc sư cần tìm hiểu văn hóa tộc người, tâm lý học hành vi, theo dõi xu hướng xã hội để nâng cấp và thích nghi với sự biến đổi nhanh. Hãy nhìn nghề thiết kế bằng con mắt triết học với tầm nhìn xa để nâng cấp chất lượng và tiếp cận tệp khách hàng văn minh.

    Cuộc thi “Phong cách hóa không gian” do Happynest và LG tổ chức không chỉ là một sân chơi sáng tạo mà còn là nơi kết nối những tâm hồn yêu nhà, mở ra cơ hội để các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất thể hiện bản lĩnh và niềm đam mê thiết kế của mình. Với đề tài thiết kế phòng chăm sóc quần áo/phòng thay đồ, cuộc thi khuyến khích sự sáng tạo và tạo điều kiện để các KTS như KTS Lại Thành Tín thể hiện triết lý và phong cách thiết kế độc đáo. 

    Bình luận

    Thu Hoàng

    Anh này hình như còn là giảng viên trường kiến trúc, vừa hôm nọ thấy tiktok đề xuất ;)

    2 weeks agoTrả lờiChỉnh sửaXóa0

    Hoàng Mỹ Anh

    Bài viết giúp mình hiểu hơn về quá trình thiết kế và sự quan trọng của việc cá nhân hóa không gian sống. Cảm ơn KTS Lại Thành Tín vì những chia sẻ quý báu!

    2 weeks agoTrả lờiChỉnh sửaXóa0

    Hãy đăng nhập để bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 2
    • 0