Khi loài người cầm được ngọn đuốc lên bên trong hang tối, lần đầu tiên bóng tối của một không gian kín bị khuất phục thì cũng là lúc kiến trúc đã được khởi sinh. Nhưng bóng tối không biến mất đi mà tự chuyển mình thành bóng đổ.
Ánh sáng và bóng đổ là hai mặt đối lập nhưng là tính nhị nguyên, âm dương, thuật bù trừ … cho một không gian và chúng cũng chính là linh hồn của kiến trúc.
Nếu ánh sáng làm rõ lên chất liệu, chi tiết, vẻ đẹp của các bình diện thì bóng đổ là nhạc trưởng điều khiển những đường tuyến tính, khối hình…tạo nên nhịp điệu cho một công trình.
Trong những vùng tối của bóng đổ vẫn có ánh sáng, màu, sắc độ… đó có thể là bóng bản thân, vùng trung gian giao thoa sắc độ của bóng, hoặc độ gần xa của khối đổ bóng hay ánh sáng phản quang của chính vật liệu và các bề mặt xung quanh. Nắm điều này bạn sẽ sung sướng như được vung một “lưỡi gươm” sắc lẹm trên tay dưới bóng mặt trời. Và loài người từ xa xưa đã biết sử dụng điêu luyện “lưỡi gươm” này.
Đó có thể là bóng đổ của một đỉnh vòm, những hàng cột đá của ngôi đền thần, các ô cửa nhỏ nhô ra trên bề mặt tường của các tòa pháo đài… Chúng không chỉ là nhịp điệu kiến trúc mà còn để điều tiết tâm lý ngưỡng vọng, đối thoại với bề trên và cả xem thời gian trong ngày cho những người thụ hưởng v.v.
Có thể nói người Nhật là bậc thầy của việc điều tiết bóng đổ cho những không gian. Bạn đã thử ngồi lặng im trong một “Tatami-room” của ngôi nhà Nhật cổ? Ánh sáng sau khi qua hành lang hoặc khu vườn trong, sẽ phủ lên căn phòng lúc này một lớp ánh sáng thật dịu mềm. Cái “ánh sáng câm” ấy cũng đang vẽ lên những ô cửa giấy những rung động của cây cỏ, thời tiết, thời khắc của ngày.
Riêng mình thì thích dùng bề mặt của công trình như một tấm toan lớn, để ánh sáng mặt trời (hoặc đèn chiếu buổi tối) qua vài bụi cây, rồi vẽ lên đó những nhát cọ thủy mặc bằng bóng đổ.
Vài lần mình về nhà buổi tối, lúc đang loay hoay mở cổng trong cơn chếnh choáng chợt nhìn thấy cái bóng dài ngoằn, méo mó bên dưới và không hiểu sao mình lại bật ra với cái bóng: Ẩn ức cho mày rồi !
Nghĩ lại thấy hơi buồn cười nhưng việc đó cũng hay nhắc mình, mỗi khi đặt bút phác lên một khối hình.
Ảnh: Quang Trần- Đỗ Sỹ và Kiên Trần