Nhà vệ sinh là một trong những khu vực dễ xảy ra thấm dột, ẩm mốc nhất trong nhà. Nhưng có một thực tế rằng nhiều gia chủ khi xây mới hoặc cải tạo thường bỏ qua bước chống thấm dẫn đến hiện tượng nước ngấm qua sàn. Vậy có cần thiết phải chống thấm sàn nhà vệ sinh toàn bộ không, hay chỉ cần bố trí khu vực tắm và quanh ống nước?
Đầu tư thời gian và công sức cho khâu chống thấm sẽ giúp bạn tiết kiệm cả chục lần chi phí sửa chữa về sau
Vì sao cần chống thấm sàn nhà vệ sinh?
Sàn nhà vệ sinh là nơi thường xuyên tiếp xúc với nước, xà phòng, hóa chất tẩy rửa và độ ẩm cao. Chỉ cần một khe nứt nhỏ trong lớp sàn hoặc điểm nối ống nước không kín, nước sẽ thấm xuống tầng dưới, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
- Ngăn nước thấm xuống trần tầng dưới: Không ít gia đình phải đau đầu vì trần nhà dưới nhà vệ sinh bị ố vàng, bong tróc sơn, thậm chí có nước rỉ xuống đèn chiếu sáng. Đây là dấu hiệu rõ ràng của việc sàn nhà vệ sinh tầng trên không được chống thấm đúng cách.
Nhà vệ sinh phía trên được chống thấm triệt để tránh gây rò rỉ nước
- Bảo vệ kết cấu công trình lâu dài: Nước ngấm lâu ngày không chỉ làm hỏng lớp sơn hay gạch lát, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu bê tông, cốt thép, gây rỉ sét, mất khả năng chịu lực. Nếu không xử lý sớm, bạn có thể phải đục phá và làm lại toàn bộ khu vực này rất tốn kém.
Chống thấm sàn tránh ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu bê tông
- Hạn chế ẩm mốc và mùi hôi: Nước thấm qua lớp sàn sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, đặc biệt ở các khe tường và góc khuất. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, nhất là trẻ em và người lớn tuổi.
Làm sàn chống thấm ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí sửa chữa về sau
>>> Tham khảo 5 mẹo hay để nâng cấp nhà vệ sinh sang xịn mịn hơn
Có bắt buộc chống thấm toàn bộ sàn không?
Từ kinh nghiệm thực tế trong thi công và sửa chữa, các kỹ sư khuyến cáo bạn nên chống thấm toàn bộ sàn nhà vệ sinh ngay từ ban đầu, bởi vì:
- Nhiều người chọn cách tiết kiệm chi phí bằng cách chỉ chống thấm khu vực quanh bồn cầu, khu tắm hoặc nơi đặt ống nước. Về lý thuyết, đây là những điểm có nguy cơ cao, nhưng thực tế nước không chỉ chảy theo đường thẳng, nó có thể thấm theo mạch vữa, gây chảy ngược nếu thoát sàn kém.
- Việc chống thấm toàn bộ sàn giúp tạo ra một lớp màng bảo vệ liên tục, không để sót bất kỳ điểm yếu nào. Nhất là ở những công trình có sàn âm hoặc lắp đặt sàn âm hộp kỹ thuật, lớp chống thấm toàn phần đóng vai trò như “áo giáp kín” cho kết cấu bên dưới.
Chống thấm toàn bộ giúp tránh được rủi ro sửa chữa tốn kém về sau
- Khách hàng thường lo ngại rằng chống thấm toàn bộ sàn sẽ tốn kém hơn, nhưng thực tế mức chênh lệch giữa “chống thấm một phần” và “toàn bộ” không lớn, chỉ khoảng 10 - 20% tùy diện tích.
Thi công chống thấm toàn bộ mặt sàn giúp tạo lớp bảo vệ liền mạch, tăng tuổi thọ sàn
Các phương pháp chống thấm sàn phổ biến hiện nay
Trên thị trường hiện nay có khá nhiều phương pháp chống thấm sàn nhà vệ sinh, từ truyền thống đến hiện đại. Mỗi cách có ưu nhược điểm riêng, phù hợp với từng loại công trình, ngân sách và yêu cầu sử dụng.
Chống thấm bằng màng khò nóng (màng bitum)
Đây là phương pháp chống thấm truyền thống, sử dụng màng nhựa bitum dạng cuộn, được khò nóng bằng đèn khí để dán chặt vào sàn bê tông.
Ưu điểm:
- Khả năng chống thấm tốt, độ bền cao (từ 10 - 15 năm)
- Phù hợp với sàn bê tông có diện tích lớn
Hạn chế:
- Đòi hỏi kỹ thuật thi công cao, cần đội thợ lành nghề
- Không phù hợp với các khu vực nhỏ, nhiều góc cạnh như WC chung cư
Thi công màng khò chống thấm cần đúng kỹ thuật để không tạo bọng khí bên dưới
>>> Tham khảo 7 tiêu chí thiết kế nhà vệ sinh thông minh, hiện đại và không lỗi thời
Chống thấm bằng sơn gốc xi măng - polymer (quét lỏng)
Hỗn hợp vật liệu là dạng sơn lỏng, gồm gốc xi măng và polymer, được quét trực tiếp lên bề mặt sàn đã xử lý sạch bụi.
Ưu điểm:
- Dễ thi công, phù hợp với khu vực nhiều chi tiết, ống thoát, góc cạnh
- Giá thành hợp lý, dễ sửa chữa khi có sự cố
Hạn chế:
- Độ dày lớp chống thấm thấp (1 - 2 mm)
- Cần tối thiểu 2 - 3 lớp và xử lý bề mặt kỹ lưỡng
Sơn chống thấm gốc xi măng-polymer được quét nhiều lớp để tăng độ dày và hiệu quả bảo vệ
Chống thấm bằng màng lỏng gốc PU (Polyurethane)
Màng chống thấm PU là vật liệu cao cấp, dạng lỏng, khi thi công sẽ tự tạo thành lớp màng liền mạch, có tính đàn hồi rất cao và khả năng bịt kín vết nứt tốt.
Ưu điểm:
- Độ đàn hồi cực cao, bám dính tốt kể cả trên bề mặt hơi ẩm
- Tự hàn gắn các vết nứt nhỏ (tới 0.5mm)
Hạn chế:
- Giá thành cao hơn so với các phương pháp khác
- Yêu cầu thi công trong điều kiện khô ráo tuyệt đối
Màng chống thấm PU có khả năng co giãn hiệu quả chống thấm cao
Lỗi thường gặp khi chống thấm nhà vệ sinh và cách phòng tránh
Dù sử dụng vật liệu tốt đến đâu, việc chống thấm vẫn có thể thất bại chỉ vì một vài lỗi nhỏ trong khâu thi công hoặc giám sát. Thực tế, không ít công trình mới bàn giao vài tháng đã bị thấm nước, bong tróc chỉ vì:
- Không xử lý kỹ bề mặt sàn trước khi chống thấm
- Thi công không đủ lớp hoặc độ dày quá mỏng
- Không xử lý kỹ các vị trí chuyển tiếp, ống xuyên sàn
- Không thử nước sau khi chống thấm
Chống thấm không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và đúng kỹ thuật
Chống thấm sàn nhà vệ sinh toàn bộ là cách tiếp cận an toàn và bền vững nhất đặc biệt với những công trình nhiều tầng hoặc khu vực khí hậu ẩm. Tất nhiên, không phải mọi phương pháp chống thấm đều giống nhau. Tùy vào hiện trạng và ngân sách, bạn hoàn toàn có thể chọn phương án tối ưu mà vẫn hiệu quả lâu dài.
>>> Tham khảo Tiêu chuẩn chiều cao trần nhà vệ sinh mà gia chủ nên biết
Nguồn: Tổng hợp
Để được tư vấn thêm về cách chống thấm sàn nhà vệ sinh hoặc các kiến thức về kiến trúc khác, bạn hãy để lại thông tin trong box. Đội ngũ kiến trúc sư giàu kinh nghiệm của Happynest sẽ nhanh chóng liên hệ và hỗ trợ.