Làm thế nào để làm mái đổ đất trồng cây trên sân thượng? - Góc nhìn của kỹ sư xây dựng kiêm chủ nhà

    Cập nhật ngày 26/10/2022, lúc 02:247.353 lượt xem
    • Tên ngôi nhà
      Pooh Gardening
    • Năm hoàn thành
      2021

    Huế mấy nay trời mưa lụt, mình có thời gian viết về vấn đề lâu nay nhiều bạn quan tâm mà mình chưa có thời gian trả lời, đó là vấn đề LÀM CÁCH NÀO ĐỂ LÀM MÁI ĐỔ ĐẤT TRỒNG CÂY TRÊN SÂN THƯỢNG dưới góc nhìn của một kỹ sư xây dựng kiêm chủ đầu tư để các bạn băn khoăn về vấn đề này cùng tham khảo để quyết định có nên làm như mình hay không nhé. 

    Vì để làm đươc cần khá nhiều yếu tố và yếu tố nào cũng gần như quan trọng như nhau, mình sẽ sắp xếp theo thứ tự một cách tương đối về độ quan trọng để các bạn hình dung và có quyết định riêng cho mình nhé.

    1. Chống thấm 

    2. Độ ổn định kết cấu và móng nhà, chống lún-lún lệch

    3. Hệ thu và thoát nước mặt

    4. Hệ thu và thoát hệ thống nước thấm

    5. Hệ thống chống rễ đâm

    6. Chọn giống cây trồng, hệ thống chống cây

    7. Biện pháp thi công và mặt bằng

    8. Vật liệu hoàn thiện mặt ngoài các ô trồng cây để đảm bảo sự bền vững

    9. Duy trì một khu vườn xanh mát

    Bây giờ chúng ta cùng đi từng vấn đề nhé:

    1. CHỐNG THẤM và biện pháp thử thấm, chống thấm tiếp xúc

    Thật ra, để trồng cây trên mái hệ chống thấm chỉ chiếm 30% vấn đề cần xử lý nhưng đây là vấn đề rất nhiều bạn chưa có giải pháp kỹ thuật chắc chắn, mình nói về giải pháp này để các bạn hình dung nhé: Với nơi nào có thể chống thấm chơi chơi được chứ đã là sàn đổ đất chúng ta phải làm với yêu cầu:

    1.1. Độ đảm bảo gần như 100% vì chúng ta sai chúng ta làm lại cực kỳ tốn kém.

    1.2. Những sàn lộ thiên nắng chiếu trực tiếp phải đảm bảo khả năng chống nứt lão hoá của vật liệu.

    1.3. Những sàn âm trong đất thì vật liệu chống thấm phải trường tồn với thời gian vật liệu có tuổi thọ đi theo cùng công trình, các hãng uy tín dù vật liệu họ có xịn đi chăng nữa thì họ cũng chỉ có thể đảm bảo cho bạn 10 năm nhưng tuổi đời của chúng cần dài hơn rất nhiều, nếu như khoa học cách đây 10 năm mình còn không dám làm nhưng bây giờ với sự phát triển của khoa học thì điều đó chúng ta có thể kiểm soát trong tầm tay. Nếu nhiều bạn muốn tìm hiểu về vấn đề này thì hẹn mọi người trong các bài tiếp theo nhé vì mình viết sâu phạm vi bài viết sẽ là khá dài.

    1.4. Test thấm: Sau khi có vật liệu chống thấm ổn chúng ta phải test ngâm full nước một quãng thời gian đủ dài, nhà mình mình ngâm thử thấm 1 ô sàn ít là 3 tuần, ô sàn có điều kiện ngâm thử thấm lâu, mình ngâm tới 2 tháng trước khi triển khai công việc khác. Và các bạn lưu ý , sau khi test thấm ta thực hiện quy trình đổ đất luôn, tránh để sàn tiếp xúc với quá nhiều nắng sau khi test.

    1.5. Chống thấm tiếp xúc: Việc này cũng khá quan trọng: đất nhất là khi bão hoà nước gây áp lực thấm mạnh mẽ hơn nước thông thường, dù sàn chúng ta có chống thấm kỹ rồi cũng không nên cho tiếp xúc trực tiếp với đất bão hoà nước cho nên với sàn đổ đất mình sử dụng một lớp bạt trải trước khi đổ đất để chống nước tiếp xúc, và các bạn yên tâm các loại bạt này giá thành cũng khá là dễ chịu.

    • Vật liệu chống thấm, quy trình test thấm, hay vật liệu chống thấm tiếp xúc như nào các bạn có thể comment mình tư vấn cách làm nhé nhưng yên tâm chống thấm với khoa học hiện nay không có gì là khó khăn cả và yên tâm về công cụ chống thấm nhé, nhưng nên nhớ rằng chống thấm chỉ chiếm 30% vấn đề nên các bạn nên đọc hết bài mình và suy nghĩ có nên làm sàn mái đổ đất hay không rồi hẵng nhắn mình nhé.

    2. Độ ổn định kết cấu và móng nhà, chống lún- lún lệch:

    Các bạn có biết rằng chính ngôi nhà chúng ta mới xây ngôi nhà nào khi mới vào ở cũng đều lún và có độ lún từ biến theo thời gian. Kể cả trong sách giáo khoa chúng mình học cũng cho lún đến 8cm (là độ lún cho phép 1 chân móng). Thế nhưng, khi chúng ta làm sàn đổ đất thì việc lún hay lún chênh lệch từ các chân móng không được phép xảy ra vì màng chống thấm của chúng ta nó có tốt như thế nào thì cuối cùng chỉ là một màng mỏng, nó không thể chịu đựng nổi sự xé khi xảy ra lún lệch và đây là nguyên nhân nhiều nhà luôn thắc mắc là làm theo bước 1 đúng quy trình chuẩn chỉ, nhưng 1 thời gian vẫn thấy thấm thậm chí thấm mạnh vì các bạn biết sao không? Chúng ta xây xong vào ở căn nhà mới chỉ chịu độ lún tức thời, nếu hệ móng không đủ mạnh thì từ sự biến lún cũng sẽ dẫn đến việc thấm trở lại. Để làm sàn đổ đất dù địa chất dưới chân móng bạn có tốt như nào cũng chỉ có thể chấp nhận với 3 loại kết cấu móng:

    - Móng cọc

    - Móng bè

    - Móng băng 2 phương

    Các phương án móng còn lại là móng đơn và móng băng 1 phương thì các bạn đừng dùng căn nhà mình ra chơi 1 ván bài mạo hiểm nhé, không đùa được đâu, trừ phi đất nguyên thổ bạn là đất đồi, địa tầng đồng đều, đất tốt.

    Tương tự thế, hệ thống dầm sàn phải đủ mạnh nhưng với sàn đổ đất đại đa số chúng ta phải dùng hệ dầm – cột lớn tương ứng nên vấn đề này bất kỳ kỹ sư kết cấu nào cũng giúp bạn giải quyết ổn định kết cấu một cách dễ dàng, mà bạn có băn khoăn quá thì cứ comment bài nhé vì thiết kế kết cấu là một trong những chuyên môn chính của mình, mình sẽ tư vấn bạn hiệu chỉnh cho đúng, vấn đề này không mất thời gian của mình lắm đâu nên các bạn cứ mạnh dạn nhắn nếu còn hoài nghi về đồ án họ thiết kế cho bạn nhé.

    3. Hệ thu và thoát nước mặt:

    Nào hãy tưởng tượng: khi xảy ra các trận mưa lớn thì sàn trên mái của chúng ta phải đủ lớn nên hệ thống ống đứng chúng ta phải làm đủ độ to và phân hướng dốc mỗi hướng dốc chỗ tụ thuỷ phải có hố ga và trục đứng thoát, và các hệ thống hố ga phải đảm bảo thu nhanh không bị tắc rác lá chứ nếu tắc, nước và đất sẽ biến ngay ngôi nhà bạn thành cô bé lọ lem sau mưa đấy. Cho nên hệ thống trục đứng hố ga, tụ thuỷ bạn phải thiết kế trước hết để định vị cho đúng, không thừa. Các bạn có thể dùng nhiều giải pháp khác nhau, với mình thì dùng hố ga dải thu nước bằng tấm plastic cell, rải cuội sỏi. Nói ở đây các bạn khó có thể hình dung ra nhưng các bạn có dịp đến nhà mình, mình chỉ trực tiếp các bạn sẽ hình dung ra ngay cách làm, và các bạn lưu ý thiết kế hướng dốc từ đầu là yếu tố quan trọng nhất nhé, vì cao độ đỉnh hố ga, cao độ đỉnh dốc, đáy dốc của vườn quan hệ rất mật thiết với nhau, làm lơ mơ sửa ốm người đó, vì nước mưa khi trời mưa lớn sẽ tấn công ngôi nhà bạn và ngôi nhà bạn sẽ như đưa con nít ăn kem lem đầy mặt sau mưa ngay.

    4. Hệ thu nước thấm qua bề mặt đất:

    Cái này thì bạn google sẽ có rất nhiều thông tin, mình cũng làm như vậy thôi: tấm plastic cell, vải địa chắn đất, thu nước thấm về các hố ga, v.v… và các bạn lưu ý thiết kế luôn hệ thống dốc thoát nước thấm vì nó phải tự chảy nên độ dốc, hướng dốc cũng cực kỳ quan trọng và tốt nhất nên thiết kế từ đầu, các hố ga thì nên tận dụng chung với các hố ga thu nước mặt.

    5. Hệ thống chống rễ đâm:

    Nếu bạn trồng những cây nhỏ dễ thương thì chả cần nhưng nếu bạn đổ đất trồng cây lớn (mà đã đổ đất thì phải trồng cây lớn mới thoả chí tang bồng kkk) thì phải chạy hệ chống rễ đâm này ở các thành dầm, đơn giản nó là các tấm nhựa cứng bền vững với thời gian nhưng cực kỳ quan trọng, rễ cây lớn đâm đến thành dầm tụi nó sẽ chắn lại không cho phát triển tiếp xâm hại kết cấu về lâu dài 

    6. Chọn giống cây trồng, hệ thống chống cây:

    Chọn cây gì để trồng trên sân thượng là một môn khoa học mà bạn phải tự mày mò và có kiến thức sâu rộng về cây. Mình biết một điều các bạn làm nhà thường rất tuân thủ chuẩn chỉnh theo kiến trúc sư nhưng thật ra kiến trúc sư rất ít được đào tạo về khoản này, nên nếu bạn trồng cây có kinh nghiệm nhận định giống cây sẽ làm tốt hơn họ nhiều, một số sai lầm là do kiến trúc sư vẽ trên những gì họ thấy mà không dựa trên kiến thức về cây trồng sẽ lấy đi nhiều kinh phí của bạn để sửa chữa về sau mà mình tích cóp được sau quá trình tư vấn khách hàng:

    6.1. Trên mái trồng cây quá cao to: Nó là đối tượng bị gió bẻ vào mùa mưa bão đến và việc cắt cành trên cao cũng sẽ ngốn chúng ta một khoản chi phí hàng năm và cũng khá nguy hiểm

    6.2. Trồng cây mà không hiểu tập tính: Trên mái hạn chế trồng cây rụng lá mà nên chọn cây thường xanh không rụng lá, một số kiến trúc sư tư vấn trồng cây vì thấy đẹp nhưng những cây rụng lá trồng gần các chỗ hố thu nước sẽ làm nước trần ngập nhà bạn lúc nào không hay bằng cách bít đầy lỗ thoát.

    Lại nữa cây nguyệt quế là cây ưa ẩm mà đưa nó ra chỗ chịu nắng Đông –Tây nó sẽ auto cằn cỗi… bla bla rất nhiều vấn đề chứ không đơn giản cây bạn thích là xách về trồng nha, nha.

    6.3. Vị trí trồng cây không có chỗ bảo trì cắt tỉa hoặc quá nhỏ, không đủ chỗ bảo trì cây, trồng cây quá lớn trên ô trồng nhỏ hẹp, trồng cây chỗ rất khó tưới…

    6.4.Trồng cây bộ rễ quá lớn: Mình từng từ chối trồng cây cho một nhà mà họ khăng khăng trồng vú sữa trên mái theo yêu cầu của kiến trúc sư vì thứ nhất quả cao rụng nguy hiểm, thứ nữa là rễ vú sữa nó rất hỗn, nó sẽ đâm toạc kết cấu nhà nếu cây phát triển tốt.

    Rồi còn đưa vào giếng trời các loại cây ưa nắng, v.v.v…. nhiều cái lắm, nhưng các bạn lưu ý rằng cái này cần chọn kỹ vì một sai lầm bất kỳ nào đó đều trả bằng tiền tươi, thóc thật, và cây trồng bạn nên tự quyết định nếu kiến trúc sư bạn không phải giới mê cây nhé. Các bạn kiến trúc sư đọc ngang đây cũng đừng tự ái nhé, vì nhiều chủ nhà đã “đổ lệ” vì sự tư vấn không tới là có thật. Nếu bạn đủ am hiểu các bạn có thể chỉ định, còn nếu bạn chưa đủ hiểu chỉ cần các bạn ghi ra cây bụi thân gỗ và đường kính thân tiêu chuẩn các bạn cần, thoát thân bao nhiêu,.v.v… là được, chứ các bạn chỉ định khi chưa đủ độ hiểu biết sẽ làm khổ chủ nhà đấy, vì thường họ rất tin vào bạn.

    Ngoài ra trồng cây trên cao cần có hệ chống, các bạn có thể chống vào các dầm mạnh, nhưng lưu ý nên định hướng từ đầu để tránh làm ảnh hưởng giao thông, mỹ quan, và nên dùng hệ thống cây leo nhỏ che bớt tụi nó lại. Các bạn đến vườn mình sẽ thấy, cây to nào cũng có hệ chống, tăng đơ nhưng các bạn phải chú ý mới thấy vì mình giấu vào cây cỏ cả.

    7. Biện pháp thi công và mặt bằng

    HÃY LÀM NHÀ MÁI ĐỔ ĐẤT khi nhà bạn xe tải ít nhất 10 T vào được chân công trình nhé, vì lượng đất rất lớn xe tải không chở đất vào đến chân công trình mà tời lên thì kinh phí phần đất bạn sẽ khá là khủng đấy. Bạn phải tính chính xác lượng cát, đá, các lớp đất đổ, cây trồng phải chuyển lên để điều động cơ giới về làm 1 lần nếu bạn tính không chuẩn thì sẽ phải điều động máy móc nhiều lần khá tốn kém kinh phí và phải sắp xếp các loại vật liệu một cách khoa học. Mặt bằng tập kết phải đủ rộng (Nếu xe vào được thì thường điều kiện này không khó lắm). Đất chuyển lên mái của một đồng công 1 nén nên các bạn phải lựạ đất thật sự tốt, như ở Huế các bạn nên lấy ở bãi phù sa sông Hương, hoặc sông Bồ.

    8. Vật liệu hoàn thiện mặt ngoài các ô trồng cây để đảm bảo sự bền vững

    Các bạn lưu ý ngay từ khâu thiết kế nếu các bạn làm bồn trồng cây các bạn nên đúc luôn thành chứa vì nếu ta làm theo thông thường đúc sàn xong xây sẽ bóc tách 2 loại vật liệu gây ố thấm mất mỹ quan.

    Và một điểm quan trọng các bạn lưu ý là: Bê tông sẽ khó đóng rêu mốc không như vữa trát, nên các bạn nên dùng bê tông không tô, đúc toàn khối với sàn, nó là vật liệu giữ bền vững cho ngôi nhà của bạn vì chúng ta trồng cây lượng rêu, ẩm, sẽ là khá lớn. Èo, các bạn tưởng tượng 10 năm nữa chúng ta sở hữu ngôi nhà rậm rịt với đầy rêu mốc thì … eo ơi

    9. Duy trì một khu vườn xanh mát

    Điều này thật sự quan trọng khi bạn quyết định có nên làm hay không? Nếu bạn chưa từng có sân vườn dù có thích làm vườn thì mình khuyên là không nên làm nhé. Vì nó không đơn giản là thú vui, chúng ta sẽ chịu áp lực rất lớn khi vườn bị sâu bệnh tấn, công, việc chúng ta tưới tắm mùa hè,…. Những áp lực này chúng ta chỉ giải quyết dễ dàng nếu chúng ta thật sự sống với đam mê, bằng tình yêu cây cỏ hoặc các bạn phải bỏ thật nhiều tiền thuê người làm và đôi khi tiền cũng không giúp được các bạn khi người làm không có độ hiểu biết hay sự hời hợt vô tâm của họ. Các bạn phải xác định được: Khi làm ra nó chúng ta phải gắn bó với nó, hơn ai hết chúng ta phải biết quy trình bảo trì, chăm sóc khu vườn mình như thế nào, cần thiết phải tự tay chúng ta làm, chứ nó không còn đơn thuần là khu vườn được thiết kế để chúng ta đi dạo ngắm thôi đâu. 

    Đấy, các vấn đề trên là các vấn đề các bạn sẽ gặp khi làm mái đổ đất trên sân thượng. Các bạn hãy suy nghĩ kỹ để quyết định xem mình có nên làm hay không nhé!

    P/S:Nhà mình đã trải qua 2 mùa mưa bão rồi đấy!!

    Nguyen Truong TungTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Đời sống

    Xem tất cả

    Xu hướng

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 1