Nhiều năm trở lại đây đô thị hoá diễn ra rất nhanh ở những thành phố lớn của Việt Nam đặc biệt ở trung tâm Hà Nội, không còn nhiều không gian chơi và tiếp xúc với những hoạt động mang tính kết nối trong gia đình và với thiên nhiên cho trẻ em, ngay cả những người trưởng thành. Khi nhận được đề bài thiết kế một ngôi nhà nghỉ dưỡng cuối tuần cho một gia đình trẻ chúng tôi tư duy về một không gian sống nơi mà mọi người sum họp vào dịp cuối tuần với gia đình, bạn bè với đầy đủ tiện ích. một phần khác các thành viên trong gia đình có thể tương tác với thiên nhiên nhiều hơn và tạo ra những phút giây sinh hoạt đầm ấm, thư giãn.
Khu đất xây dựng thuộc vùng đồi núi phía Tây Bắc ngoại thành Hà Nội, giữa thiên nhiên núi rừng bao la với rất nhiều nét đặc trưng văn hóa bản địa.
Đối với góc nhìn của PAK, núi rừng thiên nhiên rộng lớn này là một môi trường sống khá bình đẳng mà ở đó, con người và những loài sinh vật xung quanh cùng cư trú và phát triển. Xuất phát từ một suy nghĩ khá thú vị : Những chiếc tổ chim là nơi cư trú của những loài chim trong tự nhiên hay hình ảnh những chiếc tổ chim trong suy nghĩ trong sáng của những đứa trẻ. Có lẽ con người khi về với thiên nhiên núi rừng cũng sẽ cần có một chiếc tổ cho riêng mình. Từ đó chúng tôi xây dựng lên một ý tưởng sẽ tạo ra cho gia đình nhỏ này một chiếc “ Tổ “ chứa đựng bên trong một không gian sống tiện nghi, thú vị và giàu tính kết nối.
Không gian Sinh Hoạt Chung là không gian được ưu tiên chính trong công trình, với suy nghĩ khi cùng nhau về tề tựu tại đây chúng tôi đề cao những hoạt động mạng tính kết nối các thành viên trong gia đình nên chúng tôi đã sử dụng với toàn bộ diện tích Tầng 1 cho chức năng này và các chức năng phụ trợ khác được tổ chức ở phía Tây công trình kết hợp với việc trồng các cây lớn, tác động của nắng hướng Tây lên công trình được xử lí khá hiệu quả. Không gian Sinh Hoạt Chung được khai thác tối đa view nhìn chính của khu đất và cảnh quan phía xa bên ngoài, tăng tương tác với khoảng sân chơi chung và bể bơi. Điểm nhấn chính của không gian bên trong là một không gian thông tầng khá lớn. Điều này giúp tăng tính kết nối các không gian bên trong. Tạo ra một ngôi nhà với sự thống nhất từ bên trong ra tới bên ngoài, mang đến nhiều góc nhìn thú vị. Ngoài ra khoảng thông tầng này còn kết hợp với thang, không gian hành lang, giếng trời tạo nên sự đối lưu không khí bên trong công trình.
Bằng việc sử dụng toàn bộ tầng 1 làm không gian chung. Và đẩy toàn bộ chức năng phòng ngủ lên tầng 2, các khối phòng ngủ trên tầng 2 đua ra làm tăng diện tích sử dụng và tạo những những khoảng hiên, sảnh giúp đảm bảo việc tiếp cận vào không gian chung không bị đột ngột. Ngoài ra các khoảng hiên này còn đóng vai trò giảm thiểu được các tác động tiêu cực của mưa hắt hay góc chiếu của tia nắng vào trong không gian. Cùng với việc tạo hình mái dốc để tương tác với địa hình khu đất và hàng cột chống giúp không gian tầng 2 và mái được đua ra nhiều hơn, kết hợp với những vật liệu mang đến chất cảm mạnh, mộc mạc và gần gũi như : Đá, Gỗ , Bê tông .v.v… Điều này đã mang đến một tạo hình gợi nhắc về cảm giác thân thuộc của Kiến Trúc “ Nhà Sàn” ( Một trong những loại hình nhà ở đặc trưng và giàu yếu tố văn hóa của người dân tộc thiểu số vùng núi Tây Bắc này ).
Công trình với chuỗi không gian được sắp đặt nhịp nhàng mang đến một trải nghiệm thú vị trong không gian sống, cùng với những câu chuyện thú vị mà Kiến Trúc Sư muốn gửi gắm. Mong rằng một chút công sức này sẽ góp phần giúp gia chủ có một cuộc sống thoải mái và thú vị tại đây.