Những điều nhà thầu ước gì chủ nhà biết sớm hơn khi xây nhà (Phần 1)
Cập nhật ngày 30/07/2024, lúc 13:342.323 lượt xem
1. THIẾT KẾ THẾ NÀO THÌ THỰC TẾ XÂY DỰNG SẼ GIỐNG VỚI 90% THẾ ẤY
Nhiều người lầm tưởng thiết kế phối cảnh vẽ ra là hòm hòm như vậy để dễ hình dung thôi. Ra thực tế mình sẽ điều chỉnh lại sau, tuy nhiên bất cứ 1 thay đổi nhỏ nào ngoài thực tế như việc dời cái bàn, cái ghế đều ảnh hưởng đến tổng thể của căn phòng. Ví dụ 1 trường hợp thực tế Nam đã trải qua, chủ nhà tự bảo anh cai ở công trình điều chỉnh chiều cao tầng, chiều cao tầng trong thiết kế là 3.4m nhưng không biết chủ nhà nghe ai bảo "làm cao chi tốn kém tiền điện máy lạnh sau này" nên nói anh em thi công giảm xuống còn 3.2m. Đến lúc ngôi nhà vào hoàn thiện trần thạch cao kiểu bán cổ điển giật xuống thì tầng nhà lúc này đã thấp như căn hộ chung cư, lúc này mọi chuyện đã rồi nên chủ nhà chỉ còn biết tặc lưỡi cho qua.
Những trường hợp nếu trên nếu thuê nhà thầu design & build nghĩa là vừa thiết kế, vừa thi công thì họ sẽ có kiến trúc sư tư vấn cho anh chị. Trường hợp thiết kế là 1 đơn vị, thi công là 1 đơn vị khác thì hầu như thi công sẽ theo ý chủ nhà mà điều chỉnh dẫn đến rất nhiều nhà thiết kế 1 đàng nhưng thực tế 1 nẽo. Đến khi nhà xong đơn vị thiết kế nhìn lại sản phẩm của mình thì "ủa, ủa". Để có những ngôi nhà đẹp mọi người thấy trên cộng đồng của chúng ta đều là sự phối hợp rất chặt chẽ giữa 3 bên là thiết kế, chủ nhà và nhà thầu xây dựng. Mọi người thấy sản phẩm cuối cùng ra đẹp như vậy nhưng đến lượt mình bắt tay vào xây nhà thì mới phát hiện mọi việc không đơn giản như mình nghĩ.
Vì vậy, sau khi tiếp xúc với rất nhiều anh em kiến trúc sư, nhà thầu thì tất cả đều có 1 lời khuyên chung là chủ nhà cần phải thật chú tâm kỹ lưỡng ở khâu thiết kế và tôn trọng cái thiết kế do mình và kiến trúc sư đã mất rất nhiều thời gian họp bàn tới lui mới có được. Bất cứ thay đổi nào ngoài thực tế so với thiết kế đã thống nhất chủ nhà cứ mạnh dạn xin ý kiến của người kiến trúc sư đã thiết kế nhà cho mình. Trong hợp đồng luôn có hạng mục giám sát tác giả và trên bản vẽ thiết kế khi bàn giao cho chủ nhà luôn có dòng chữ ghi chú "mọi sai khác ở thực tế nhà thầu nên thông báo cho đơn vị thiết kế để được hỗ trợ kịp thời".
Lịch sử đã chứng minh và Nam chứng kiến rất nhiều trường hợp chủ nhà không để ý đến những dòng chữ và hạng mục giám sát tác giả cộng thêm tâm lý ngại làm phiền đơn vị thiết kế nên bỏ qua công việc này. Ngôi nhà là mong ước, hoài bão lớn của cuộc đời mình nên không có việc gì phải ngại, ở góc độ ngược lại người thiết kế sẽ rất sẵn lòng tư vấn, hỗ trợ nếu chủ nhà đánh giá cao công việc và tìm sự hỗ trợ từ họ. Đời 1 người làm kiến trúc ai cũng luôn mong ước những đứa con của mình được sinh ra 1 cách hoàn chỉnh và đẹp đẽ nhất.
2. TÌM HIỂU CÁC KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ XÂY DỰNG
Nhiều chủ nhà không nắm được các giai đoạn xây dựng lên 1 ngôi nhà, dẫn đến kỳ vọng không thực tế về tiến độ và chất lượng công trình. Đơn cử 1 vài trường hợp Nam đã gặp phải và rất nhiều anh em nhà thầu đã từng gặp.
Vì đã cam kết tiến độ trong hợp đồng và điều khoản phạt nếu chậm tiến độ. Rất nhiều chủ nhà vô tình gây áp lực thời gian cho nhà thầu mà không hiểu về tính chất công việc xây dựng. Trường hợp nhà thầu ở Lâm Đồng thi công nhà cho 1 anh chị, mùa mưa ở vùng cao cực kỳ khó chịu mưa có thể kéo dài 1 tuần là chuyện bình thường. Vì thời gian giao nhà đã thống nhất từ đầu, nhà thầu mà Nam biết họ không dám cho anh em thợ nghỉ lúc trời mưa mà vẫn cố gắng động viên anh em công nhân làm việc. Hễ nắng thì trèo lên sàn làm, mưa thì trốn xuống dưới trú, nắng lại trèo lên (đặc điểm mưa vùng cao). Đến giai đoạn hoàn thiện trét bột sơn nước ngoài trời, do trời mưa nhiều ngày liền (trời ngưng mưa thì không có nắng) tường không thể khô để anh em trét bột nhưng chủ nhà vẫn khăng khăng ép tiến độ dẫn đến nhà thầu tiến thoái lưỡng nan nếu trét bột khi tường chưa khô thì kiểu gì sau này cũng xảy ra tình trạng bong tróc mà không trét cho kịp để sơn thì bàn giao nhà bị muộn. Phân tích cho chủ nhà thì họ bảo "chị không biết, em làm sao thì làm". Dẫn đến tình hình giữa chủ nhà và nhà thầu cực kỳ căng thẳng.
Tưởng, chữ "tưởng" và chữ "ủa" là 2 từ xảy ra rất nhiều ở các công trình xây dựng. Vấn đề thường gặp nhất làthiếu ổ cắm điện và bố trí công tắc đèn không hợp lý hay chính xác hơn là thiếu thống nhất ngay từ đầu. Anh chị đã xây nhà có thể xác nhận giúp Nam phần này nhé. Khu vực cần nhiều ổ cắm như bếp thì lại thiếu ổ cắm dẫn đến khi vào thực tế nhiều thiết bị phát sinh như lò vi sóng, bình đun siêu tốc, nồi chiên không dầu, máy rửa chén, robot hút bụi, lau nhà âm tủ chạy vòng vòng... thì không đủ chổ cắm. Khu vực bếp cần đi dây diện to thì chỉ đi dây điện như bình thường dẫn đến khi nhiều thiết bị cùng hoạt động thì "á, á". Lúc này chủ nhà mới quay sang trách thiết kế với nhà thầu thì thật oan uổng cho họ quá. GIÁ NHƯ từ lúc thiết kế mọi người nhắc anh kiến trúc sư thì tốt biết mấy, hoặc giả trong lúc anh em đang đục đường điện đi ống mọi người hỏi họ ổ cắm, thiết bị bố trí thế nào thì họ có thể làm thêm cho anh chị mà không tính thêm bất cứ chi phí phát sinh nào đâu.
Tất cả các kiến thức về xây dựng thời điểm này đã được rất nhiều anh em kỹ sư, kiến trúc sư chia sẻ trên facebook, tiktok,... Anh chị chỉ cần gõ từ khóa về cái mình đang thắc mắc thì sẽ được giải thích bằng rất nhiều phiên bản, góc nhìn khác nhau. Thiết nghĩ, tất cả anh chị lần đầu xây nhà nên trang bị cho mình những kiến thức thật nền tảng trước khi bắt tay vào công cuộc xây dựng tổ ấm của mình.
3. XÁC ĐỊNH NGÂN SÁCH RÕ RÀNG
Không thiếu các bài viết, video hướng dẫn cách tính chi phí xây nhà trên internet nhưng có 1 sự thật mà hầu hết mà những anh chị lần đầu xây nhà không biết là cách tính chi phí xây dựng ấy chỉ mới chiếm 70% giá trị thực sự anh chị sẽ bỏ ra cho ngôi nhà của mình. 30% còn lại hình như rất ít người biết đến, Nam xin phép liệt kê thêm 1 vài chi phí mà mọi người thường không để ý đến nhé:
Tháo dỡ nhà hiện trạng (nếu nhà còn tốt có thể anh chị sẽ dư ra được 1 khoản tiền nhờ bán xác nhà, ngược lại thì phải mất chi phí này)
Khảo sát địa chất (Nếu anh chị xây nhà có hầm từ 5, 7 tầng trở lên ở những vùng đất mà mình không biết bên dưới lớp đất ấy là gì)
Bảo hiểm công trình (Phần này chủ nhà mua, nhà thầu chỉ mua bảo hiểm tai nạn)
Nội thất (Phần này thì không phải bàn vì có thể phát sinh đến vô cực)
Thuê nhà ở tạm trong thời gian xây nhà
Nhờ người trông coi trong quá trình xây dựng (Thuê kỹ sư giám sát hoặc ông chú ngoài quơ)
Lãi vay xây nhà (nếu có)
Bồi dưỡng thợ mỗi khi đổ bê tông hoặc quà cáp này nọ
....
Bạn thấy đó, mỗi cái chỉ 1 tí thôi chưa kể nhiều thiết bị, vật dụng ban đầu bạn định tận dụng lại nhưng khi thấy nhà mới xịn xò quá đưa vô nhìn kỳ kỳ. Tối 2 vợ chồng ngủ ko được nên quyết định bấm bụng thay cái mới cho phù hợp với giao diện thì phát sinh lúc này là 1 đống tí. Đó là lý do anh chị hỏi 10 người xây nhà rồi thì ai cũng nói là phát sinh ít nhất 10% và phải thủ sẵn tiền dự phòng ở đó chứ không đến lúc phát sinh lại ngớ người ra rồi vợ chồng lại lục đục.
Lời khuyên của anh em nhà thầu về vấn đề này là chủ nhà nên chuẩn bị khoản tiền dự phòng ~20% cho chắc bụng và cần bảng lập ngân sách xây nhà 1 cách cẩn thận ngay từ đầu. Mọi vấn đề thay đổi so với ngân sách cần phải được ghi chép cập nhật lại để biết mình đã chi quá tay vào đâu tránh trường hợp chi 1 đống tí như trên mà mình không biết. Đã có trường hợp người quen của Nam dự định xây nhà xong sẽ mua con Porsche cho gấu nhưng cuối cùng xây nhà xong, gara thì ốp đá lịch thiệp nhưng tiền mua Porsche thì đã vô tình phân bổ ra thành rất nhiều các thiết bị sang, xịn, mịn khác trong nhà.
Những vấn đề Nam chia sẻ ở trên hầu hết đều là tâm thư nhiều anh em nhà thầu muốn thổ lộ cùng các anh chị chủ nhà rất mong nhận được sự góp ý, tương tác của các anh chị để Nam có động lực làm tốt hơn ở những bài viết sau.