Xanh là chất lượng: Ai cũng cần hiểu đúng về vật liệu xanh trong xây dựng nhà ở Việt Nam

    26/01/2018 03:364.745 lượt xem

    Hướng đến xu hướng sống xanh, con người hiểu thêm về giá trị mà một công trình xanh đem lại: không chỉ cho môi trường – xã hội mà còn cho chính sức khỏe của chúng ta. Đó cũng là lí do vật liệu xanh được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong các công trình nhà ở Việt ngày nay.

    Thị trường vật liệu xanh tại Việt Nam dần nhận được phản hồi tích cực.

    Vật liệu xanh là loại vật liệu không gây độc hại, có thể tái chế sau khi sử dụng, vòng đời sử dụng lâu dài, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường bên ngoài và tiêu tốn ít năng lượng khi sản xuất cũng như năng lượng khi sử dụng. Dựa theo cách phân chia vật liệu xây dựng trong công trình nhà ở, vật liệu xanh cũng được chia thành hai nhóm chính: Vật liệu phần thô và Vật liệu phần hoàn thiện. Trong đó có một số vật liệu nổi bật, hiện đang nhận được quan tâm của chuyên gia trong ngành và đông đảo người tiêu dùng.

    1. Vật liệu phần thô

    Tính chất các vật liệu được sử dụng trong giai đoạn này sẽ quyết định tính bền vững, an toàn của công trình trong quá trình gia chủ sử dụng nên đây là nhóm vật liệu được đầu tư nghiên cứu và chú trọng hơn cả. 

    Gạch không nung

    Là một trong những loại vật liệu xanh hiện đang được quan tâm, gạch không nung gây ấn tượng bởi quá trình sản xuất không sử dụng tới đất nông nghiệp, không qua công đoạn nung bằng than củi hay nhiệt nên sẽ không diễn ra tình trạng chặt rừng đốn cây hay lò nung phát thải khí CO2 ra môi trường tự nhiên. Những ưu điểm về khả năng cách âm, cách nhiệt, trọng lượng nhẹ… của loại gạch này cũng mang tính thuyết phục đối với người tiêu dùng, chưa kể tới là chi phí khi sử dụng gạch không nung để thi công công trình thì tổng chi phí cũng được giảm thiểu so với sử dụng gạch nung.

     

    Đặc tính cách nhiệt, cách âm tạo cho không gian sống sự thoáng đãng, mát mẻ

    Thêm vào đó nếu chiếu theo nhu cầu xây dựng hiện tại thì tới năm 2020 sẽ có 42 tỷ viên gạch quy chuẩn được sử dụng, tương đương với 3.000 ha đất nông nghiệp bị tiêu tốn và thải ra môi trường 17 triệu tấn khí CO2, một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính và sự biến đổi bất thường của khí hậu tự nhiên hiện nay. Việc hướng người tiêu dùng sử dụng gạch không nung là hướng đi đúng đắn để bảo vệ môi trường sống của tất cả chúng ta.

    Cát nhân tạo

    Chênh lệch giữa tỉ lệ cát được cấp phép khai thác và nhu cầu thực tế của thị trường đã đẩy giá cả của cát tự nhiên lên cao. Bên cạnh đó, vì ham lợi, nạn khai thác cát tự nhiên trái phép diễn ra mạnh mẽ hơn, gây hậu quả sụt lở đất bồi bên sông, phá vỡ hệ sinh thái sông nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người dân sinh sống ở những khu vực này. Trong lúc này, sự xuất hiện của cát nhân tạo như một yếu tố tất yếu để cân bằng thị trường vật liệu. 

    Cát nhân tạo được nghiền chủ yếu từ sỏi, đá… Điều này giúp loại bỏ khoáng chất sét và nhiều tạp chất không cần thiết giúp chất lượng bê tông được tạo ra bởi loại cát này đạt chuẩn và bền vững hơn. Không chỉ có sỏi, đá, những chất thải xây dựng, công nghiệp, khoáng sản cũng được tận dụng tối đa để làm nguyên liệu tạo ra cát nhân tạo. Đây cũng là một cách tái chế vô cùng hiệu quả. 

    Vừa là vật liệu xây dựng, cát nhân tạo đồng thời cũng là nguyên liệu để tạo thành các vật liệu xanh khác. Theo ông Nguyễn Thế Thường, Tổng giám đốc công ty Thành Chí cho biết: Cát nhân tạo khi được sử dụng để làm ra các loại vật liệu xây dựng xanh như gạch không nung, phối trộn cốt liệu bê tông đều đem tới sản phẩm chất lượng. Đặc biệt khi dùng làm vữa tô trát tường rất mịn, chắc và đẹp. 

    Cũng chính vì cát nhân tạo có những ưu điểm vượt trội như thế nên từ 40 năm trước người dân Nhật Bản đã chuyển sang sử dụng và xây nên những công trình bền vững cho tới tận bây giờ.

     

    Cát nhân tạo đem lại hiệu quả cao khi có thể ứng dụng đa dạng trong xây dựng

    Tre, nứa

    Không chỉ sáng tạo ra vật liệu xanh mới, ngày nay các chuyên gia còn đầu tư nghiên cứu, nâng cấp các vật liệu truyền thống trở thành vật liệu xanh mang tính đại chúng, gần gũi với con người và thân thiện với môi trường tự nhiên như tre, nứa.

    Trên thực tế, các công trình được xây dựng từ tre nứa có tuổi thọ không thua gì gỗ tự nhiên, có khi lên đến cả trăm năm. Với đặc tính dẻo dai, không tỏa nhiệt, lại cứng cáp, không quá khi các chuyên gia xây dựng gọi tre nữa là “thép xanh” của Việt Nam.

    Tre, nứa được ứng dụng trong kiến trúc nước ta và thế giới từ rất lâu bởi đặc tính nổi bật của mình

    Trong kiến trúc hiện đại, kết hợp với các kĩ thuật xây dựng mới, tre, nứa cũng có những cải tiến mới đề phù hợp hơn. Bên cạnh đó vòng đời phát triển của họ nhà tre thường rất nhanh, trung bình là 3 tháng, cây đã đạt chiều cao và đường kính tiêu chuẩn, quá trình sau này chỉ để các sợi thực vật hoàn thiện sự dẻo dai cứng cáp của mình. Rõ ràng là so với gỗ phải mất hàng năm đến vài chục năm sinh trưởng mới đạt chuẩn xây dựng, tre nứa là nguồn vật liệu có giá thành vừa túi tiền hơn, tốc độ tái sản xuất cũng cao hơn rất nhiều. 

    Trải qua quá trình xử lí kĩ thuật để chống mối mọt, tăng độ bền chắc cho vật liệu, tre, nứa được KTS nói riêng, công chúng yêu nét đẹp truyền thống nói chung lựa chọn và ứng dụng trong công trình hiện đại.

    KTS luôn sáng tạo không ngừng để khai thác triệt để tính năng ưu việt của tre nứa Việt để tạo ra những công trình kiến trúc ấn tượng

     

    Gentle House - Công trình nhà ở được dựng hoàn toàn từ tre nứa cho người xem cảm nhận được một thoáng kiến trúc cổ vùng Bắc Bộ

    2. Vật liệu phần hoàn thiện

    So với vật tư phần thô, có vẻ người tiêu dùng ưa chuộng vật liệu xây dựng xanh cho giai đoạn hoàn thiện công trình hơn. Bằng chứng là sự đa dạng về mẫu mã của vật liệu chống thấm, cách điện, cách nhiệt, sơn… trên thị trường vật liệu xây dựng ngày nay để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

     

    Từ sản phẩm sơn được tạo bởi nguyên liệu Nano chiết xuất từ vỏ chấu với các tính năng như tự làm sạch, kháng khuẩn, chống cháy…cho tới sản phẩm không chứa chì, không chứa thủy ngân đều được giới thiệu và ưa chuộng trên thị trường


    Tính riêng vật liệu cách điện, cách nhiệt đã đa dạng từ thiết tấm vách, dạng lỏng… và tính năng vượt trội từ các nhà cung cấp vật liệu khác nhau

    Lí do người tiêu dùng “mở lòng” với vật liệu xanh trong giai đoạn hoàn thiện, một phần cũng vì có thể dễ thay đổi, cải tạo công trình khi có nhu cầu hoặc sự cố không mong muốn hơn là phải chật vật đối phó với sự cố phần xây thô của ngôi nhà. 

    Pin mặt trời

    Không còn quá xa lạ, ngày nay pin mặt trời cũng là một trong những vật liệu hoàn thiện được các gia chủ quan tâm không chỉ bởi tính “xanh” của mình mà còn tác dụng lưu trữ năng lượng, giúp gia chủ tiết kiệm được một khoản phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình.

     

    Nhà mặt trời ở Đông Anh – Hà Nội với hệ thống pin mặt trời được bố trí trên mái

     

    Bản vẽ mặt cắt của công trình nhà cộng đồng Nậm Đăm cũng được ứng dụng pin mặt trời

    Kính Low-e

    Thời gian gần đây kính được xem như một giải pháp hiệu quả giúp tận dụng nguồn sáng tự nhiên để không gian sống trở nên sáng và thoáng. Tuy nhiên với kính Low-e, loại kính đặc biệt không chỉ lấy sáng mà còn giúp phân tán nguồn nhiệt giúp xoa dịu sự oi bức cho công trình vào những ngày nhiệt độ lên cao.

    Kính Low-e được dùng cho công trình căn hộ Vinhome Ba Son

    Kính Low-e có thể phản xạ hơn 70% lượng bức xạ trong ánh sáng mặt trời và chỉ cho phép ánh sáng thuần đi qua. Nhiệt độ được tán đều, áp lực nhiệt lên công trình giảm, giúp gia chủ tiết kiệm một lượng điện đáng kể để làm mát không gian vào những ngày nhiệt độ lên cao. 

    Lưu ý khi chọn kính, không phải cứ diện tích kính càng lớn thì lượng ánh sáng nhận được sẽ càng nhiều. Kích thước kính nên vừa với tầm nhìn của thành viên trong nhà, tầm nhìn bạn tới đâu, kính sẽ cao tới đó. Do đó nếu biết tính toán và bài trí thì chỉ cần tỉ lệ kính chiếm 20% diện tích phòng thì căn phòng vẫn thoáng đãng không ngờ. Điểm này sẽ giúp gia chủ tiết kiệm được chi phí chi trả cho kính Low-e vì giá thành loại kính này nhỉnh hơn so với kính thông thường.

     

    Kính Low-e giúp gia chủ tiết kiệm đáng kể nguồn năng lượng và chi phí trong suốt quá trình sử dụng về lâu về dài

    Khắc phục những khó khăn tồn tại, vật liệu xanh sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ.

    Dù được giới chuyên gia đánh giá cao, được các ban ngành chính quyền ra quy định tỉ lệ áp dụng đối với các kiểu công trình nhất định, gạch không nung vẫn vấp phải sự từ chối đôi khi là né tránh từ phía chủ đầu tư và gia chủ. Bởi không giống như gạch nung, có thể tùy thời ứng dụng vào các công trình xây dựng, gạch không nung có những lưu ý nhất định khi thi công và quy định loại gạch nào phù hợp với phần công trình nào. Tuy nhiên nhà sản xuất vật liệu không nung nói chung và gạch không nung nói riêng vẫn chưa đưa ra bảng hướng dẫn sử dụng khi cung cấp vật liệu, người tiêu dùng chỉ biết tới khi dùng gạch không nung thì bề mặt tường có hiện tượng nứt mà không nắm được nguyên nhân thực tế do đâu nên mang tâm lí lo sợ, e dè đối với loại vật liệu này. Dẫn tới nay vẫn chưa có nhiều công trình nhà ở chọn sử dụng, đôi khi là né tránh gạch không nung.

    Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chánh – nguyên chủ nhiệm bộ môn vật liệu xây dựng, khoa Kỹ thuật xây dựng trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, phát biểu trên báo Xây dựng, để vật liệu xanh đi vào cuộc sống thì phải phân loại rõ ràng gạch không nung chứ không thể nói chung chung là vật liệu xanh, loại nào dùng cho công trình nào, ở đâu… Phải để cho người tiêu dùng hiểu, nắm chắc được thông tin chính xác về vật liệu. 

    Như vậy, vấn đề cản trở lớn nhất ở đây, cũng là điều người tiêu dùng cần nhất, chính là thông tin chính xác về vật liệu. Bởi thực tế, chỉ cần dựa vào kiểu công trình muốn xây để đưa ra lựa chọn phù hợp về mẫu gạch và thuê được đội ngũ thi công có kinh nghiệm đối với mảng vật liệu này thì việc sở hữu căn nhà “xanh” từ vật liệu xanh là không hề khó. Ngày nay, để đáp ứng xu hướng sử dụng gạch không nung cũng đã có các đơn vị thi công chuyên nghiệp với nền kiến thức và kĩ thuật tốt. Người tiêu dùng cũng không phải gặp khó khăn hay băn khoăn vì giải pháp xây nhà.

    Cần có chế tài cụ thể về cách sử dụng và đào tạo thợ nghề bài bản để có những công trình xanh hiệu quả

    Còn về tre, nứa, dù có nhiều ưu điểm nhưng muốn ứng dụng được vật liệu này vào công trình nhà ở lại phụ thuộc rất nhiều tới vị trí xây dựng, đặc điểm môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó quy trình để sơ chế các vật liệu tre, nứa cũng gây nhiều tranh cãi từ những luồng thông tin trái chiều. Nên hiện tại vẫn chưa có nhiều gia chủ quyết định xây toàn bộ hay sử dụng vật liệu này làm vật liệu xây dựng chính cho phần xây thô mà phần lớn là ứng dụng trong giai đoạn hoàn thiện.

     

    Vẫn chưa có nhiều công trình nhà ở lựa chọn tre, nứa làm vật liệu xây dựng chính cho phần xây thô của tổ ấm nhà mình

    Sự đa dạng về mẫu mã và nhà phân phối vật liệu hoàn thiện cho phép người tiêu dùng có cơ hội so sánh, chọn lựa sản phẩm phù hợp với nhu cầu bản thân. Nhưng sự cạnh tranh về giá cũng khiến thị trường vật liệu hỗn loạn. Một số thành phần đầu cơ trục lợi giảm giá sản phẩm để thu hút người tiêu dùng nhưng đồng thời chất lượng sản phẩm cũng bị rút xuống. Người cuối cùng chịu thiệt cả về vật chất lẫn tâm lý lại là người tiêu dùng. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm bởi luôn có những chuyên gia xây dựng, những KTS có kinh nghiệm làm nghề sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Giới chuyên môn cũng thường tổ chức những buổi hội thảo chia sẻ thông tin về thị trường vật liệu để có sự thống nhất quan điểm, giúp ích rất nhiều khi tư vấn và giúp đỡ người tiêu dùng tạo nên tổ ấm xanh, hạnh phúc.

    Trên thực tế, người tiêu dùng ngày nay cũng thông thái hơn trong việc lựa chọn vật liệu. Họ nghiêng về các vật liệu có xuất xứ rõ ràng, có lượng hàng xuất khẩu cao tại Việt Nam để sử dụng cho công trình của mình bởi vật liệu nội địa có tính tương đồng và phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng hơn và vật liệu ngoại để xây dựng tổ ấm cho gia đình mình.

    Đánh giá chung trong bối cảnh hiện nay, vật liệu xây dựng xanh đang dần chiếm được một vị trí nhất định trong tâm lí người tiêu dùng dù rằng chưa vững chắc do tâm lí e ngại của công chúng bị tác động từ những luống ý kiến, nhận định không chính thống về giá, về chất lượng. Tuy nhiên động thái tích cực từ việc người tiêu dùng mở lòng với vật liệu xanh ở phần hoàn thiện công trình hay sự ấn tượng từ những công trình xanh được giới chuyên gia xây dựng giới thiệu và đánh giá cao cũng khẳng định vật liệu xanh là xu hướng tất yếu trong xây dựng hiện đại.

    Xem thêm: Xanh là chất lượng: Hành trình chinh phục tiêu chuẩn xanh - Bước chân không nghỉ của những “chiến sĩ” đang miệt mài cống hiến cho kiến trúc Việt

    Bài viết: Thu Thủy

    [Xanh là Chất lượng - Green is quality] là khái niệm được Ashui.com (Trang thông tin điện tử của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) sáng tạo nên để định hướng là mục tiêu trong xây dựng công trình kiến trúc xanh.

    Happynest cùng Ashui.com liên kết phát triển các chủ đề nội dung để truyền đi thông điệp "Xanh là chất lượng" giúp xây dựng và cải thiện chất lượng cuộc sống tại Việt Nam.

    Chúng tôi tin rằng nhận thức chung của cả cộng đồng với những vấn đề về chất lượng cuộc sống sẽ giúp mỗi người đều có ý thức tìm kiếm những giải pháp để đem lại một cuộc sống tốt hơn trong tương lai, bằng chính hành động và kêu gọi hành động từ hôm nay. Đó không chỉ là trách nhiệm của một người mà là sự chung tay của cả cộng đồng để hướng đến những giá trị chung. 

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0