Các công trình mang phong cách Đông Dương trải qua một thời gian dài luôn giữ được vẻ đẹp và giá trị riêng khi so sánh với các công trình mang phong cách hiện đại khác nhau được xây dựng ở Việt Nam. Đặc biệt, những công trình mang hơi thở Đông Dương luôn tinh tế và sắc nét hơn.
Phong cách Đông Dương là 1 xu hướng thiết kế thể hiện được vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam. Bởi, nó phù hợp với phong cách sống, phong tục tập quán, văn hóa, quan niệm mỹ thuật, cảnh quan và khí hậu của người Việt.
Đôi điều về phong cách Đông Dương
Phong cách Đông Dương hòa trộn giữa bản sắc của Việt Nam và phong cách Tân Cổ điển của Pháp. Sự kết hợp tinh tế và đặc sắc giữa 2 nên văn hóa Đông - Tây khác biệt tạo nên một phong cách mới với quan điểm mỹ thuật, thể hiện được tinh hoa, bản sắc và bề dày lịch sử.
Ở đây, phong cách Pháp được nhiệt đới hóa bởi bản sắc bản địa, khí hậu, nghệ thuật trang trí tinh xảo ở các kiến trúc cổ, sản phẩm mỹ nghệ và hình thành 1 sự gặp gỡ, pha trộn tinh tế.
Nội thất truyền thống Việt Nam đơn giản mộc mạc, các trang bị chính chỉ phục vụ nhu cầu thiết thực: Giường, phản thay thế cho bàn ghế, chõng.
Một số không gian được thiết kế theo phong cách Đông Dương
Hiện nay phong cách Đông Dương chọn lọc những chi tiết trang trí thể hiện đậm chất truyền thống Việt cổ, đơn giản và tinh tế, dễ dàng ứng dụng trong thực tế mà không khiến không gian trở nên nặng nề. Đồng thời, các kiến trúc sư khi ứng dụng phong cách này đã khéo léo kết hợp với những tiện nghi hiện đại để phù hợp với phong cách sống hiện nay, đem lại sự thoải mái và tiện ích cho người sử dụng.
Nội thất mang phong cách Đông Dương có những đặc điểm và dấu ấn riêng. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, còn đáp ứng và phù hợp với tập quán sinh hoạt và khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm ở Việt Nam: Từ cách sử dụng màu sắc, các sử dụng vật liệu, hình dáng các trang thiết bị,...
Đặc điểm của phong cách Đông Dương
1. Màu sắc
Sử dụng tone màu trung tính: vàng nhạt, vàng kem, trắng để tạo cảm giác mát mẻ phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam. Không gian nội thất là sự kết hợp của tone màu trung tính và màu sắc của gỗ, đồ mây tre gợi được chất Á Đông.
Một số không gian cũng sử dụng màu sắc nhiệt đới ấm, nóng tạo ấn tượng mạnh như: Màu đỏ, màu tím, màu vàng cam...
Tông màu vàng thường được sử dụng trong phong cách nội thất Đông Dương
2. Vật liệu
* Gỗ:
Tính chất: mềm, bền, chắc, gỗ tạo được cảm giác sang trọng và được ưa chuộng. Gỗ là vật liệu chính trong các công trình: hệ khung kết cấu và console của mái, hệ thống cửa, lát sàn và trần nhà, trang thiết bị, chi tiết trang trí, tượng tròn, phù điêu...
* Tre:
Tre có khả năng chống mối mọt, dẻo, độ bền cao. Trong phong cách Đông Dương, tre được sử dụng làm trang thiết bị, đồ trang trí, những tấm vách ngăn... vì dễ tạo những hình mềm mại và đẹp mắt.
Tre là một loại vật liệu không thể thiếu trong phong cách Đông Dương
* Gạch bông, gạch nung
Thường được sử dụng để lát nền, tạo nên vẻ sang trọng, sự ấn tượng và đầy tính nghệ thuật cho công trình. Đây là một nét đặc trưng riêng của phong cách Đông Dương trong nội thất.
Gạch bông, gạch nung được sử dụng để trang trí rất bắt mắt
3. Hoa văn họa tiết
Yếu tố mỹ thuật truyền thống Việt Nam được thể hiện rõ trong các hoa văn, họa tiết và tạo ra những đặc trưng riêng của phong cách Đông Dương. Hoa văn họa tiết được thể hiện từ thời Đông Sơn với những đường nét kỷ hà đơn giản cách điệu từ hoa lá, cách thể hiện tỷ mỉ và chi tiết đến thời An Nam, hoa văn họa tiết được tổng hợp lại và cách điệu lại từ những hình ảnh khác: hình kỉ hà, hình chữ nhật, hình cây, hình hoa lá, hình tĩnh vật... với đường nét cách thể hiện tinh tế hơn. Những hoa văn này được ứng dụng để xử lý các chi tiết sàn, tường, trần, các vách ngăn, vật dụng trang trí, thiết bị nội thất. Đem lại giá trị nghệ thuật cao.
* Họa tiết Kỉ Hà
Họa tiết mắc lưới hình thoi, dài ngắn khác nhau, cạnh thẳng hơi cong nhẹ, họa tiết mắc lưới lục giác giống vảy trên mai rùa. Họa tiết mắc lưới không đều. Họa tiết mắc lưới tam giác, có hình chữ nhân... được sử dụng trong các đồ vật trang trí một cách hài hòa.
Sử dụng họa tiết kỉ hà chính là một cách nhận diện phong cách Đông Dương
* Họa tiết hình chữ nhật
Họa tiết gồm các chữ Hán: Phúc, Lộc, Thọ, Hỷ, được cách điệu đơn giản, liền nét theo đường kỷ hà, đan xen chồng lớp, nằm gọn trong một ô vuông hoặc tự do theo nét.
Những hoa văn họa tiết hình chữ nhật
* Họa tiết tĩnh vật
Trái châu (thường thấy ở nóc đền chùa), họa tiết gồm trái châu và hai con rồng cách điệu ở 2 đầu góc mái
Bát bửu: Nhiều hình tĩnh vật, bộ bát bửu thường thấy gồm: quả bầu, quạt, gươm, đàn, quyển sách, bút, cây sao, phất trần
Những chi tiết Đông Dương nhẹ nhàng và tinh tế
* Họa tiết hoa lá, dây lá, quả
Họa tiết là biểu tượng 4 mùa "Tứ quý" gồm: Tùng, cúc, trúc, mai, sen
* Họa tiết hình thú
Họa tiết cách điệu từ những con vật theo quan niệm của người Việt cổ đem lại những điều may mắn, tốt lành. Họa tiết hình thú không đứng riêng rẽ mà kết hợp với những họa tiết kỷ hà, hồi văn, hình chữ. Họa tiết tứ linh: Long, lân, quy, phượng, họa tiết hình con dơi, con cá, con cọp, con sư tử...
4. Một số chi tiết khác
* Phù điêu, tượng tròn truyền thống Việt Nam
- Tượng phật: biểu tượng tôn giáo, biểu tượng cho sự bình yên, thanh cao
- Con giống, con rối: những biểu tượng dân gian
- Tứ linh: mô phỏng Long, Lân, Quy, Phụng những con vật mang lại nhiều may mắn
- Hoa sen: có từ thời lý, biểu tượng của sự trong sạch, thanh tịnh của Phật giáo
- Hoa cúc: bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền
- Bồ đề: cây Bồ đề biểu trưng cho sự đại giác của đức phật
* Phù điêu tượng tròn champa
Trong phong cách Đông Dương, các trang thiết bị là sự tác động của sắc thái và văn hóa bản địa lên phong cách sống của người Pháp: phản, sập gụ, bình phong.
Ngày nay, chúng ta vẫn gặp phong cách Đông Dương trên những con phố, góc nhà của Phố cổ, Hội An hay Huế. Nó vẫn giữ được những dấu ấn riêng, mang trong mình vẻ thanh lịch và xưa cũ mà tiện dụng, giản đơn mê đắm người dùng.