Quy hoạch đô thị theo tư duy cũ - Cách nhanh nhất để... bức tử một thành phố

    19/02/2018 08:001.279 lượt xem

    Chỉ có một con đường đổi mới quy hoạch đô thị hiện nay ở Việt Nam: phải rời bỏ kiểu quy hoạch chính trị và quy hoạch xin-cho thời bao cấp để chuyển sang quy hoạch chiến lược theo dạng hợp tác quy hoạch giữa chính quyền, nhà chuyên môn, nhà đầu tư với cơ chế chủ động tham gia và giám sát của người dân tại địa điểm quy hoạch. Bởi quy hoạch không phải việc riêng của chính quyền đô thị mà của toàn bộ công dân đô thị.

     

    Khu chung cư Giảng Võ vốn đông đặc, chỉ quy định xây công trình cao 21 tầng nhưng cấp phép 10 tòa cao 50 tầng. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

    Quy hoạch của thế giới ngày càng tiến bộ...

    Cho đến nay, quy hoạch đô thị (QHĐT) đã trải qua sự thay đổi mạnh mẽ nhằm giải quyết những hậu quả tiêu cực về môi trường và xã hội do sự phát triển duy ý chí những đô thị công nghiệp, đô thị ưu tiên giao thông ô tô cá nhân. Các lý luận quy hoạch đô thị vì thế cũng liên tục thay đổi để giảm thiểu hậu quả của thời đại công nghiệp. Có thể điểm qua 4 chặng thay đổi của lịch sử QHĐT để thấy sự thay đổi tư duy đã giữ cho nó có thể dẫn hướng đô thị thế giới: 

    Phong trào thành phố vườn (Gardern City) của Howard: 

     

    Lấy cảm hứng từ xã hội không tưởng của Edward Bellamy và Henry George, Howard xuất bản cuốn sách Garden Cities of Tomorrow vào năm 1898

    Đây được coi là cuốn sách quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của QHĐT. Các thành phố vườn được xây dựng để có thể tự sinh, liên kết với nhau bằng đường bộ hoặc đường sắt. Người dân có quyền tiếp cận mọi dịch vụ đô thị, đi đến nơi làm việc thuận tiện bằng phương tiện giao thông công cộng. Thời kỳ đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XX, quy hoạch hướng đến đô thị công nghiệp kiểu mới với những tòa nhà chọc trời, cung ứng chỗ ở và dịch vụ cho hàng triệu dân với nhiều kế hoạch tái cấu trúc xã hội. 

    Đô thị hóa kiểu mới và yêu cầu phát triển bền vững:

    Sự phát triển ồ ạt của phương tiện giao thông cá nhân đã tạo ra những khủng hoảng đô thị. Do đó các quốc gia  bắt đầu tiến hành xây dựng các thành phố thông minh hơn, với phương tiện giao thông thân thiện môi trường, giúp người dân ít bị lệ thuộc hơn vào ô tô cá nhân. Trào lưu QHĐT theo Đô thị hóa kiểu mới lan tỏa (New Ubannism), tập trung nguồn lực bảo vệ môi trường toàn vùng, củng cố tính bền vững của các đô thị dàn trải hiện có, đặc biệt tập trung nguồn lực phát triển “hạ tầng xanh”.

     

    Hạ tầng xanh được đặc biệt chú trọng

    Hợp tác quy hoạch chiến lược:

    Được áp dụng từ những năm 80-90 thế kỷ XX, bắt nguồn từ Chương trình hợp tác vì mục tiêu chiến lược (CoSGOP), nhằm nhấn mạnh sự tham gia đa tác nhân trong liên kết phát triển đô thị. Cách tiếp cận mới giúp hình thành những bản kế hoạch chiến lược dựa trên những điểm mạnh - điểm yếu, cơ hội - thách thức, xây dựng kịch bản, và tầm nhìn phát triển, xác định mục tiêu chung làm cơ sở cho quy hoạch hành động và chương trình hành động mềm dẻo có sự đồng thuận của các đối tác phát triển. 

     

    Các chính sách phát triển bằng quy hoạch chiến lược đã đảm bảo sự vận hành các đô thị xuyên biên giới thuộc Cộng đồng chung châu Âu

    Hợp tác quy hoạch:

    Theo tổng kết của Hiệp hội Quy hoạch thế giới, vào năm 2000, gần như các nước có dân số đô thị chiếm trên 50% đã rời bỏ phương pháp quy hoạch tổng thể kiểu truyền thống do nó khó đáp ứng nền kinh tế thị trường. Đòi hỏi QHĐT mềm dẻo hơn, được lập trình linh hoạt cho phép sự tham gia liên tục của các bên liên quan. Quá trình này có sự tham gia của tất cả các bên liên quan và các nhóm bị ảnh hưởng, cộng đồng phải có quyền ra quyết định cuối cùng, cam kết của chính phủ về việc hỗ trợ các nguồn lực (chính sách, tài chính và trí tuệ) phải được thực thi, các tổ chức thực thi và giám sát quy hoạch phải có khả năng giải quyết xung đột và tổ chức cộng đồng. 

     

    Cách làm này khai thác và phân bổ công bằng mọi nguồn lực phát triển dựa trên sự tham gia trực tiếp của các tổ chức dân sự

    ... và những quy hoạch đi ngược tương lai ở Việt Nam

    Trong khi QHĐT thế giới ngày càng tiến bộ thì một số quy hoạch tại Việt Nam đang gây tranh cãi về tính pháp lý cũng như chuyên môn, chứng tỏ sự... tụt hậu do không chịu đổi mới.

    Quy hoạch hai bờ sông Hồng: 

     

    Ước mơ có một thành phố Hà Nội hai bên sông Hồng không phải chỉ của hôm nay mà đã bắt đầu hơn một thế kỷ trước

    Khi toàn quyền Paul Doume cho khánh thành cầu Long Biên huyền thoại năm 1902 nối hai bờ sông Hồng để tạo nền kinh tế hàng hóa đã tạo nên đô thị hiện đại cho Hà Nội. Những năm chiến tranh dài dằng dặc đã làm cho thành phố hầu như chỉ dừng lại ở bờ Nam.

    Năm 2006, trong Báo cáo Vùng Hà Nội cũ, Tư vấn Nhật-HAIDEP có đề xuất khu vực sông Hồng được giữ như một khu bảo tồn thiên nhiên giữa trung tâm đô thị - một dạng vành đai xanh và “central park”. Giới chuyên môn vẫn đánh giá đây là tầm nhìn tốt nhất cho Hà Nội hàng trăm năm sau. Nhưng nó lại ngược với tính toán của các doanh nghiệp bất động sản. 

    Cuối năm 2008, Hà Nội tổ chức triển lãm Quy hoạch hai bờ sông Hồng, quy hoạch này thực hiện việc lồng ghép dự án sông Hồng dài 40km đoạn qua trung tâm Hà Nội vào Quy hoạch chung của thủ đô. Khung quy hoạch chức năng này thật đáng ngưỡng mộ khi pháp lý hóa hình thái không gian chủ đạo ven hai bờ sông Hồng là khu cảnh quan-khí hậu cốt lõi. Rất tiếc tầm nhìn của Quy hoạch chung thủ đô đã không được coi trọng chỉ sau 8 năm khi dự án này được tái khởi động lần hai. 

    Tháng 1/2017 khi khởi động lại dự án này, Hà Nội không làm rõ nội dung của khung pháp lý nêu trên, quy trình làm lại vi phạm Luật QHĐT và Luật Đấu thầu. Đã có không ít dự án lớn tranh thủ lợi thế này để xây cao tầng, bất chấp khung quy hoạch đã phê duyệt: khu đô thị sầm uất Times City chân cầu Vĩnh Tuy và khu Sun Grand Lương Yên... 

    Một thực trạng buồn của thời “tư bản đất” lên ngôi: người dân chỉ là thứ yếu, quỹ đất trung tâm mới là điểm ngắm của các nhà đầu tư với dẫn chứng là tồn tại 3 cái “quên” không nhỏ: “Quên” nội dung pháp lý của khung quy hoạch hai bờ sông Hồng trong Quy hoạch chung Thủ đô mở rộng năm 2008; “quên” tổ chức đấu thầu bằng hình thức thi tuyển quốc gia; “quên” lòng tự tôn dân tộc và giới chuyên môn trong nước khi thông qua một công ty tư nhân nhỏ nhoi để mời một viện từ Trung Quốc sang quy hoạch. 

    Quy hoạch dự án cải tạo chung cư cũ:

    Tại văn bản số 5621 của UBND TP. Hà Nội ngày 30.9.2016, hiện có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ. Nhiều “ông lớn” bất động sản sẵn sàng lao vào cuộc. Chỉ có thể giải thích các khu chung cư này sở hữu quỹ đất vàng rất lớn ngay tại bốn quận trung tâm Hà Nội cũ, là cơ hội không lặp lại

     

    Sun Group “ôm” 3 khu tập thể với 111 nhà chung cư cũ cần cải tạo; Công ty CP Tập đoàn FLC với khu Kim Giang có 68 nhà; Tập đoàn T&T có hai khu với 41 nhà; Geleximco có Khương Thượng với 30 nhà. Vingroup “ôm” 5 khu tập thể với 105 nhà tại trung tâm Ba Đình…

    Theo đó, số tầng cao đối với 17 dự án chung cư cũ có diện tích trên 2ha được phép nâng tới 25 tầng. Cải tạo những chung cư cũ có chiều cao chỉ 2-5 tầng và mật độ xây dựng rất thấp (20-30%), thành 25 tầng với mật độ cao gấp đôi ba lần quả là một cơ hội kinh doanh vàng khi Hà Nội có chính sách ưu đãi lớn để xóa nhà cũ. Lại càng nóng khi Vihajico đề xuất lấp một phần hồ Thành Công trong Quy hoạch cải tạo Khu tập thể Thành Công.

    Vậy là các quy hoạch chi tiết cải tạo hàng ngàn ha chung cư cũ cũng “quên” các bộ luật điều tiết công việc quy hoạch. Lại chỉ định quy hoạch cải tạo theo cơ chế xin-cho, lại chủ đầu tư tự mời tư vấn ngoại, lại mập mờ về nhiệm vụ quy hoạch - vốn bị điều tiết bởi Quy hoạch chung thủ đô năm 2008 đã hạn chế tối đa cao tầng ở trung tâm lõi nội đô lịch sử, và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc vốn chỉ cho khu Giảng Võ, Nhà máy rượu tại Lò Đúc xây nhà cao 21-25 tầng (nhưng giấy phép năm 2016 thì cấp cho Giảng Võ là 50 tầng, cho Nhà máy rượu 45 tầng). Người ta đã quên mất cơ thể vốn ọp ẹp của thành phố, quên tương lai của 4,5 triệu dân nội thành vốn luôn bị kẹt xe, tắc đường, ô nhiễm bụi mịn, bệnh tật, thiếu trường học, chợ búa, bệnh viện, điện nước sinh hoạt.

    Không chỉ Hà Nội, trên địa bàn TP.HCM hiện có 474 cụm chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 với tổng số 27.208 căn hộ. Thành phố này cũng đang “nóng” cải tạo chung cư có quỹ đất vàng tại quận 1, 3 và quận 5, 10 với 24 nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Còn 203 nhà chung cư cũ nát tại các quận ven nội đô cũ chỉ có vài nhà đầu tư quan tâm. Con số đó nói lên một thực trạng buồn của thời “tư bản đất” lên ngôi: người dân chỉ là thứ yếu, quỹ đất trung tâm mới là điểm ngắm của các nhà đầu tư bằng mọi cách chiếm đoạt, bất chấp phải đánh đổi bằng căn bệnh đầu to làm nghẹt thở và bức tử thành phố.


    Ashui.comTheo dõi

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0