Học gia chủ Bỉ cách tận dụng chiều rộng hẹp để lấy sáng cho nhà ống điển hình

    08/05/2018 03:2613.323 lượt xem

    Nhà ống không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn là vấn đề của rất nhiều nước trên thế giới. Với tỉ lệ chiều dài - chiều rộng là 4:1, không gian sống của công trình Seba House ở Bỉ trước cải tạo luôn trong tình trạng thiếu sáng. Nhưng với giải pháp mới về sắp xếp không gian, bài trí nội thất… từ đội ngũ KTS, Seba House đã lột xác hoàn toàn, vừa phóng khoáng vừa thoáng đãng để gia chủ thư giãn.

    Đặc điểm của nhà ống là kích thước chiều dài lớn hơn nhiều so với chiều rộng, nhà thiên sâu. Nguồn sáng chủ yếu chỉ có thể đến từ mặt trước hay mặt sau ngôi nhà, ánh sáng khó phân tán ra toàn bộ không gian để tạo sự thông thoáng. Sở hữu cốt nhà ống có những đặc điểm tương tự như thế, gia chủ Seba House quyết định thay đổi kết cấu căn nhà, tạo khoảng mở, khoảng thông tầng thông minh để thổi hồn thiên nhiên vào trong không gian sống.

    Kết cấu không gian sáng tạo giúp căn nhà luôn sáng và thoáng đãng

    Ở mặt tiền của ngôi nhà, KTS giữ lại một phần tường gạch thô từ cốt nhà cũ, tạo cảm giác cổ điển, nghệ thuật cho không gian. Xen vào đó là những ô cửa kính lấy sáng, diện tích không quá lớn nhưng phân chia tỉ lệ với tường gạch cũ hài hòa, tạo điểm nhấn cho phần mặt tiền của Seba House.

     

    Mặt tiền ngôi nhà thu hút người xem với vẻ đẹp pha giữa cổ điển và hiện đại

    Để lấy sáng cho toàn bộ không gian bên trong, KTS xây dựng những khoảng thông tầng xuyên suốt chiều sâu ngôi nhà. Cụ thể, KTS chia chiều rộng của căn nhà thành 3 phần: 2 phần bên là hành lang lấy sáng và khu vực chính giữa là không gian sinh hoạt của gia đình. Kết hợp cùng cách lấy sáng từ mặt tiền, Seba House nhận được nguồn sáng từ 3 phía: trên cao xuống, mặt tiền vào và từ vách tường hông. Nhờ thế dù ở bất kì vị trí nào, lượng ánh sáng trong nhà cũng ổn định. Đây cũng là giải pháp lấy sáng hiệu quả cho gia chủ khi có ý định xây nhà ống.


    Không gian sinh hoạt được dồn về phần trung tâm, sử dụng vách ngắn để đánh dấu khu vực sử dụng. Sàn hành lang tầng hai được ghép từ những thanh kim loại thưa giúp ánh sáng phân tán tốt hơn trong không gian Seba House

     

    Hệ thống đèn được bố trí tập trung ở trần của không gian sinh hoạt, giải quyết bài toán bị khuất sáng của khu vực này

    Những khoảng giếng trời, thông tầng được bố trí theo chiều sâu ngôi nhà để duy trì ổn định lượng ánh sáng

     

    KTS bố trí cửa kính ở khu vực tường giáp nhà kho ngoài trời để lấy sáng cho gian bếp

    Với lợi thế về chiều sâu không gian, KTS chia diện tích sinh hoạt của ngôi nhà thành 3 nhóm  chính theo dạng cắt lớp cho cả 2 tầng lầu. Lớp thứ nhất dành cho công việc (phòng khách, phòng làm việc), lớp thứ hai dành cho khu vệ sinh và kho (nhà kho, phòng tắm, nhà vệ sinh), lớp thứ 3 là không gian ngủ ngơi, thư giãn (nhà bếp, phòng ngủ). Ứng theo nhu cầu về độ sáng cần thiết, phòng khách và phòng làm việc là khu vực nhận được nhiều ánh sáng nhất trong nhà khi được xếp kề mặt tiền của Seba House.

      

    Bản vẽ sơ đồ phân chia không gian của ngôi nhà tương ứng với mức sáng cần thiết

    Không gian sống tinh tế với phong cách tối giản và cách KTS khai thác hiệu quả 20 m chiều dài của Seba House

    Yếu tố tối giản thể hiện đầu tiên là ở màu sắc. KTS chọn sơn màu trắng sữa cho hầu hết bức tường chính. Kết hợp cùng ánh sáng từ mặt tiền hay thông tầng, sắc trắng đóng vai trò không nhỏ giúp căn nhà sáng và thoáng đãng hơn. Và trên nền sơn trắng, KTS tạo sự cân bằng cho không gian nhờ thiết kế góc cạnh, sắc đen mạnh mẽ mang chất công nghiệp từ cầu thang hay các chi tiết khung trong nhà… 

     

    Sơn trắng và sử dụng khung kim loại tối màu cho đồ nội thất là cách KTS “đánh lừa” thị giác người xem về giới hạn các không gian trong nhà

     

    Tường gạch thô từ cốt nhà cũ ở khu vực cầu thang là yếu tố công nghiệp tạo nét cá tính, độc đáo cho căn nhà

    Chiều rộng của Seba House hẹp nên gia chủ và KTS cũng giảm thiểu số lượng đồ nội thất, chỉ chọn những món đồ cơ bản trong sinh hoạt gia đình cần có và dành diện tích trống để làm thoáng không gian. Tính thẩm mỹ phù thuộc hoàn toàn vào thiết kế của đồ nội thất và cách sắp xếp không gian của gia chủ. Đặc biệt cách bố trí không gian theo từng lớp chiều sâu của ngôi nhà còn  đảm bảo cho gia chủ diện tích sử dụng rộng rãi dù chiều rộng Seba House bị hạn chế.

     

    KTS bố trí tủ quần áo và một bồn cây nhỏ ở vị trí thềm nghỉ tầng một, giúp dàn trải không gian sinh hoạt một cách hợp lý

     

    Được biết phòng tắm là góc yêu thích của nữ chủ nhân nhờ thiết kế phóng khoảng, tầm nhìn thẳng xuống sảnh chính của ngôi nhà


    Đồ nội thất được bố trí theo chiều sâu của ngôi nhà, tận dụng tối đa lợi thế chiều rộng để gia chủ có không gian sinh hoạt rộng rãi


     

    Sơ đồ lớp không gian trong Seba House

    Nói riêng tại Việt Nam, nhà ống đang dần trở thành mẫu nhà phổ biến ở những đô thị lớn do nhu cầu về nhà ở tăng cao, đất định cư có hạn. Với đặc trưng chiều rộng hẹp, chiều dài lớn, nhà ống ở nước ta luôn đối mặt với các vấn đề về thiếu sáng, không gian sinh hoạt chật chội… Tuy nhiên nếu biết cách khai thác đặc điểm của khu đất, rất có thể chúng ta có thể tránh khỏi những hạn chế này. Như cách Seba House khai thác hiệu quả 20 m chiều dài của mình và cách lấy sáng thông minh để không gian sống luôn thoáng, mát.

    Thông tin công trình:

    Tổng diện tích: 200 m2

    Địa điểm: Bỉ

    Năm hoàn thiện: 2015

    Đơn vị thi công: EVA architecten

    Ảnh: Sebastian van Damme

    Bài viết: Thu Thủy

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0