Nghe lời thuyết phục của anh trai rằng “đi làm bao năm mới được 400 triệu, hùn tiền mua đất để đó một, hai năm thì tăng gấp đôi gấp ba”, anh T quyết định góp 400 triệu, cùng anh trai mua mảnh đất 1,6 tỷ. Giờ đây, mảnh đất chẳng những không bán được mà anh T muốn rút lại tiền cũng khó khăn.
Trải nghiệm bài viết và hình ảnh mượt mà hơn với ứng dụng Happynest tại đây. |
Thay vì gửi tiết kiệm, có rất nhiều người đổ xô vào đầu tư bất động sản với hy vọng “tiền đẻ ra tiền” mà vẫn tận dụng tối đa khoản tiền nhàn rỗi. Với tư tưởng đó, anh T quyết định góp 400 triệu để mua mảnh đất 1,6 tỷ với anh trai. Song đến cuối cùng, mảnh đất không thể ở hay bán, khoản tiền 400 triệu cũng không thu hồi được khiến anh T vô cùng trăn trở.
Chia sẻ cụ thể của anh T như sau:
“Giữa năm 2020 lúc làn sóng Covid-19 lần đầu tiên hạ nhiệt, tôi có có hùn hạp với anh ruột mua một miếng đất 120m2, giá 1,6 tỷ đồng. Xin nói qua lô đất này nằm mặt tiền con đường dẫn vào ngôi chợ mới xây ở quê tôi. Chủ miếng đất này trước đó cho một người khác thuê lại với giá 3,5 triệu đồng một tháng để bán cà phê.
Vì lý do cần tiền với sắp hết hợp đồng cho thuê mà người thuê không gia hạn nên chủ đất muốn bán luôn mảnh đất này. Người bán cà phê chỉ làm quán theo kiểu nhà tiền chế nên họ dọn đi nhanh chóng và trả lại một mảnh đất trống đúng nghĩa là đất nền.
>>> Xem thêm: Vợ chồng tôi khổ sở suốt 8 năm vì mua chung đất với anh trai chồng
Thời điểm đó, tôi có 400 triệu đồng, là tiền nhàn rỗi tiết kiệm được sau nhiều năm đi làm công ty. Anh tôi ở nhà có cơ sở kinh doanh, vốn mạnh nên bỏ số tiền còn lại, tức 1,2 tỷ đồng.
Trước đây tôi có nghe nói về chu kỳ lên xuống của bất động sản tầm 10 năm. Những pha của chu kỳ này bao gồm hồi phục, phát triển và thoái trào. Nhiều người giàu lên vì đầu tư bất động sản với điều kiện là mua ở cuối giai đoạn thoái trào - đầu giai đoạn hồi phục và bán ở giai đoạn phát triển.
Cũng có nhiều người giàu lên nhanh vì lướt sóng ở giai đoạn phát triển, thời gian chờ đợi không lâu nhưng đi kèm đó là rủi ro. Thế nhưng cái khó là làm sao nhận diện được thời gian nào là hồi phục, đâu là phát triển và đâu là thoái trào?
Nhưng khi nghe lời rủ rê, thuyết phục "đi làm bao năm mới được 400 triệu, hùn tiền mua đất để đó một, hai năm thì tăng gấp đôi gấp ba, làm vậy cũng muốn tốt..." của ông anh mà tôi đã không còn lý trí nữa. Tôi đành góp tiền mua miếng đất này.
>>> Xem thêm: 5 rủi ro cần biết nếu có ý định mua chung đất và cách xử lý
Đúng như tôi dự đoán, thời gian sau dù trải qua mấy làn sóng Covid-19 nữa, ai cũng kêu làm ăn khó khăn nhưng giá đất khắp nơi lên vùn vụt. Miếng đất mà tôi có phần cũng không ngoại lệ, từng có thời điểm người ta trả chênh 300 triệu so với giá ban đầu. Do kinh tế ở quê bình thường cũng không phát triển nên tôi thấy như thế là lời nhiều lắm rồi. Thế nhưng anh tôi không chịu bán vì tin rằng để lại nó sẽ ngày càng lên chứ không xuống.
Những cơn sóng tới tấp xô đến nhưng rồi cũng nhanh chóng mất đi. Người lướt ván có kinh nghiệm sẽ về bờ an toàn, còn bây giờ tôi bị sóng cuốn ra xa, hay nói đúng hơn là thuỷ triều rút và còn mình tôi trơ trọi giữa bãi biển.
Đúng là giá miếng đất đó bây giờ có kể kêu 1 tỷ 8, thậm chí 2 tỷ nhưng điều quan trọng là chừng nào bán được? Ai sẽ mua? Tôi có năn nỉ xin lại 400 triệu tiền hùn để làm công việc khác thì lại bị mang tiếng lời thì chia, rủi ro thì đánh bài chuồn. Tôi ngâm 400 triệu trong đó không biết khi nào mới lấy lại được. Có đất đó nhưng cũng không thể và cũng không còn tiền xây nhà nếu về quê ở.
Chu kỳ tiếp theo, có lẽ tôi sẽ đầu tư một mình chứ không ham hố hùn vốn, dù là với người thân vì không có toàn quyền quyết định.”
>>> Xem thêm: Bài học đắt giá của vợ chồng tôi sau 4 lần mua đất ngoại thành
Với trường hợp của anh T, nhiều người cho rằng anh T không nên oán trách vì anh chỉ góp 400 triệu đồng, trong khi anh trai góp đến 1,2 tỷ đồng nên quyền quyết định đương nhiên thuộc về anh trai của anh T.
Ngoài ra, thỏa thuận mua chung đất không thống nhất số tiền và thời điểm bán đất nên rất khó để phân định ai đúng ai sai: “Cơ bản thống nhất ngày từ đầu thuận thì chung, ko thì thôi chứ. Với lại theo tỷ lệ vốn góp thì bạn chỉ có 25%, nên sự quyết định cho miếng đất đó phải là của anh trai bạn.”
Cũng có người khuyên rằng, anh T nên kiên nhẫn đợi tiếp vì đầu tư bất động sản có chu kỳ ít nhất từ 5 -10 năm: “Đầu tư đất bằng tiền nhàn rỗi thì lo cái gì. Nhìn dài ra 5 - 10 năm mới có thành quả lớn.”
Nguồn: VNE
Quan điểm của bạn về vấn đề trên như thế nào? Chia sẻ ngay ý kiến của bạn tại đây để kết nối với cộng đồng yêu nhà đẹp trên nền tảng Happynest nhé. Nếu đây là lần đầu bạn đăng bài, hãy tham khảo trước tài liệu này để hiểu rõ hơn về các thể loại bài đăng, tips giúp bài đăng được duyệt nhanh và thu hút sự chú ý nhất từ cộng đồng. Mọi thắc mắc về việc đăng bài hoặc chỉnh sửa bài, xin vui lòng liên hệ địa chỉ email [email protected], hoặc phản hồi trực tiếp qua fanpage Happynest để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời. |