Ngôi nhà được tạo nên từ sự thấu hiểu người lao động thu nhập thấp, tận dụng hợp lý vật liệu tái chế

    12/02/2019 07:2733.981 lượt xem

    Nằm trong một khu phố lao động nghèo tại đảo Java, Indonesia, The Omah Amoh không cần sở hữu vẻ ngoài bóng bẩy mà vẫn nổi bật bởi nơi đây như một không gian kết nối những người lao động nghèo. Điểm đặc biệt là chi phí xây dựng ngôi nhà được tiết kiệm nhờ sử dụng có tính toán những vật liệu tái chế.

    Chủ ý đưa ngôi nhà về trạng thái “Amoh” - cũ kỹ nhưng thân quen và đủ để trở nên đặc biệt

    Trong tiếng Java của Indonesia, “amoh” có nghĩa là lỗi thời hoặc bị hỏng. Vì vậy, The Omah Amoh có nghĩa là một ngôi nhà lỗi thời hoặc bị hư hỏng. 

    Ngôi nhà nằm trên khu đất có diện tích 82m2 tại khu phố lao động nghèo. Với mong muốn mang đến những gì thân quen, “vừa đủ” với chi phí thấp nhất cho gia chủ, KTS đã không lựa chọn lối thiết kế hiện đại mà nảy ra ý tưởng đưa ngôi nhà về trạng thái “Amoh” - tưởng như cũ kỹ và lỗi thời, nhưng lại vô cùng đặc biệt. Nếu đặt trong bối cảnh tồi tàn của những ngôi nhà xung quanh, The Omah Amoh trông có vẻ cũ, nhưng lại tươi mới, và mang theo những yếu tố truyền thống. 


    Trong khu phố lao động nghèo, The Omah Amoh không cần cầu kỳ vẫn nổi bật với hai khối nhà và mái dốc trải dài


     Không chọn kiểu thiết kế hiện đại, chạy theo dòng chảy cuộc sống mà KTS chọn lối thiết kế lắng đọng, gợi nhớ vẻ xưa cũ


    Nội thất gỗ thô mộc, không cầu kỳ bóng bảy

    KTS giữ nguyên màu tường trát xi măng, thậm chí có đôi chỗ loang lổ. Những tấm rèm - thảm treo tường truyền thống của Indonesia với đủ hoa văn sặc sỡ được trưng bày ở hầu khắp không gian, kết hợp với gạch bông lát nền như những điểm nhấn tươi mới.  


    Tường trát thô với nhiều vết loang lổ là dụng ý của KTS

    Các tấm thảm truyền thống của Indonesia sặc sỡ, tươi vui và trở thành món đồ trang trí bắt mắt 


    Gạch bông hoạ tiết được sử dụng để lát sàn

    Ưu tiên yếu tố chi phí, tận dụng sáng tạo và phù hợp những vật liệu tái chế

    Sau khi hoàn thành bản thiết kế, bắt tay vào quá trình xây dựng, vấn đề chi phí được ưu tiên do bản thân gia chủ là người lao động có thu nhập thấp. KTS quyết định sử dụng một vài vật liệu mà nhiều người cho là “phế liệu” để thay thế những vật liệu xây dựng đắt đỏ. 


    Tiết kiệm chi phí nhưng không gian vẫn tiện nghi và đủ đầy

    Từ cánh cửa gỗ cũ được tận dụng làm bàn quầy bar, đường ống nước cũ trở thành đường điện nổi trên tường,... Hay sử dụng gạch xi măng thông gió làm vách ngăn kiêm kệ trưng bày, kệ đặt đồ. Nhưng tất cả sự tái sử dụng đó đều được tính toán kỹ lưỡng, chỉn chu, nhờ vậy từng chi tiết đều phù hợp và hòa quyện vào tổng thể ngôi nhà.


    Đường ống nước được tận dụng làm đường dây điện nổi, đẹp mắt mà không rườm rà


    Đường ống cũng được tận dụng làm thanh treo quần áo tiện dụng như thế này


    Chiếc cửa gỗ cũ được tái sử dụng làm thành bàn quầy bar ở tầng 1


    Gạch xi măng thông gió được sử dụng kiêm vách ngăn và kệ đặt đồ


    Chiếc bàn ăn dài bằng gỗ tấm với nhiều chiếc ghế ăn khác loại nhau

    “Kết nối tối đa” chính là từ khóa quan trọng nhất tạo nên giá trị của The Omah Amoh 

    Với những người lao động nghèo, những giây phút được trò chuyện và sẻ chia cùng nhau là điều họ luôn trân trọng. Do vậy, ở The Omah Amoh, hầu hết mọi không gian đều hướng tới sự kết nối với cộng đồng. Từ không gian tầng 1 nơi quầy bàn bar quây quần, không gian tầng 2 nơi khu bàn tập thể, hay cả khung cửa hướng ra mặt tiền,... Tất cả đều xoay xung quanh vấn đề kết nối tối đa.


    Ngôi nhà không chỉ là dành cho gia đình gia chủ, mà còn là niềm vui chung của xóm lao động nghèo


    Khu vực góc học tập và bàn đọc sách cũng được chú trọng, không gian này luôn chào đón những đứa trẻ trong xóm đến đọc sách và tìm tòi


    Cửa sổ đẩy dù không hiện đại nhưng giản dị, thông thoáng và vẫn thú vị theo nét riêng


    Cửa sổ ngoài mặt tiền tầng 2 được thiết kế như một chiếc bàn bar tùy biến linh hoạt, các thành viên trong nhà có thể dễ dàng giao tiếp với những người hàng xóm


    Khoảng hiên ngoài nhà luôn thông thoáng nhờ sử dụng tường rào bằng gạch thông gió

    Mặt bằng tầng 1 của ngôi nhà


    Mặt bằng tầng 2 của ngôi nhà


    Mặt cắt bên A - A 


    Mặt cắt bên B - B


    Phác thảo ý tưởng về “cửa sổ kết nối” trên tầng 2

    Từ sự thấu hiểu sâu sắc với gia chủ cùng mong muốn sáng tạo dựa trên nền chất liệu xưa cũ, The Omah Amoh không chỉ là ngôi nhà của riêng gia đình gia chủ, mà còn trở thành niềm tự hào của cả xóm lao động nghèo. KTS đã thay đổi quan điểm của nhiều người về sự cũ kỹ, lạc hậu, khẳng định rằng, ai cũng có thể sở hữu căn nhà tâm đắc của riêng mình.

    Thông tin công trình:

    Đơn vị thiết kế: Gayuh Budi Utomo 

    Vị trí: Indonesia 

    KTS trưởng: Dio galih 

    Thi công: cv karya muda, sugiono, iwan 

    Diện tích: 82.2 m2 

    Năm hoàn thành: 2016 

    Ảnh: Mansyur Hasan

    Bài viết: Thiên Di

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0