Gặp gỡ KTS. Nguyễn Việt Hưng: Không phải ai cũng “sống được” trong một căn nhà phong cách tối giản

    18/10/2017 04:034.497 lượt xem

    “Sự tối giản đến từ cá tính của chủ nhân căn nhà đó, chứ không đến từ những chuẩn mực do bất kì ai đặt ra. Chủ nhân của những căn nhà tối giản là những người có thị hiếu rõ rệt, họ hiểu họ cần gì, muốn gì, có nguyên tắc sống. Vì thế mình nghĩ không phải ai cũng sống được trong căn nhà theo phong cách tối giản” – KTS Nguyễn Việt Hưng, đại diện văn phòng kiến trúc Kây Architecture. 

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    KTS Nguyễn Việt Hưng từng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt từ công trình Chans House bởi góc nhìn khá lạ về tối giản. Không nhất thiết phải là một căn phòng với sự gọn ghẽ, ngăn nắp tới mức “trống trải” như nhiều người lầm tưởng, công trình của anh vẫn toát nên tinh thần tối giản nhờ cách xử lý không gian khéo léo, sự lựa chọn nội thất cá tính mà tinh tế. 

    Không phải ai cũng sống được trong căn nhà tối giản

    Dù chàng KTS trẻ cũng chỉ cười khi được mời phỏng vấn về phong cách tối giản, và rằng “mình hay Kây Architecture không hẳn đi theo trường phái tối giản, mà chỉ là rất tình cờ các thiết kế đều có xu hướng tinh giản đi một chút để có nhiều không gian mở”, nhưng rõ ràng ở anh Hưng luôn toát lên một sự giản đơn nhưng cũng rất vừa đủ, khiến những chia sẻ của anh trở nên dễ hiểu và giá trị. 

    Nói về phong cách tối giản, đó không phải là một căn phòng trống hoác đơn sơ, mà đó là “Sự kết tinh của những gì thiết yếu nhất để chủ nhân có thể sinh hoạt bình thường mỗi ngày. Sự tối giản đến từ cá tính của chủ nhân căn nhà đó, chứ không đến từ những chuẩn mực do bất kì ai đặt ra.” 

    Theo anh Hưng, cá tính ở đây không cứ gì phải sôi nổi, mạnh mẽ, hướng ngoại hay chơi trội. Những người có thị hiếu rõ rệt, họ hiểu họ cần gì, muốn gì, có nguyên tắc sống. Cá tính của chủ nhân sẽ tạo nên cá tính của không gian: những góc hoặc vách âm, những khoảng trống đón sáng… 

    “Vì thế mình nghĩ không phải ai cũng sống được trong căn nhà tối giản” – câu nhận xét của anh có vẻ hơi “phũ” với những người đã trót mê những bức hình kiến trúc nhà ở tối giản ngăn nắp, nhưng ngẫm lại thì rất đúng.

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    Một buồng ngủ ngăn với thế giới ngoài kia bởi một tấm kính – có mấy cặp vợ chồng lựa chọn sự “trong suốt” này nếu không có chút “máu” táo bạo?

    Chans House là một ví dụ điển hình cho phong cách “tối giản lạ” làm nên bởi cá tính của chủ nhà như vậy, ngay từ cái tên nhà đã nói lên điều đó rồi – nhà của anh Chán. Bạn sẽ thấy toàn bộ kiến trúc của một căn chung cư chuẩn ở Royal City bị xóa bỏ bởi sự thông suốt của không gian.

    Nếu không phải chủ nhân của Chans House, hẳn bạn sẽ tìm ra ối điểm “hỏi chấm” ở căn nhà này, ví như “Sao bếp đặt ngay cạnh khu phòng khách không che chắn gì?” “Sao phòng tắm với phòng ngủ lại dùng kính trong suốt?” Cũng đúng thôi, vì căn nhà đó đâu có dành cho bạn.

    “Tiêu chí thiết kế của mình là làm nên những ngôi nhà mà nhà ông A thì chỉ ông A ở được”.

    Dành thời gian tìm hiểu gia chủ từ thói quen sinh hoạt, nhu cầu kết nối và chia sẻ giữa các thành viên, đến tính “nghiện mèo”, anh Hưng tự nhận là khá may mắn khi được làm dự án Chans House. Chủ đầu tư thực sự tin tưởng, có độ bay và dị giống chàng KTS, nên việc thiết kế công trình luôn đầy ý tưởng và lý thú. Và kết quả là một căn nhà như đo ni đóng giày, dành riêng cho gia đình anh Chán.

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    Khu bếp thông với phòng khách để nối liền khoảng cách của chủ nhân Chans House đồng thời xóa bớt tường ngăn để mở rộng không gian

    Hệ thống chứa đồ (storage system) – nút thắt để giải bài toán tối giản

    Hãy nhìn ngắm căn nhà của mình một chút đi, bạn sẽ nhận ra căn nhà tạo cảm giác ngăn nắp hay rườm rà, phần nhiều phụ thuộc vào hệ thống chứa, đựng và trưng bày đồ đạc. Do đó, khi có ý tưởng về các không gian chứa đựng đồ rồi thì gần như bài toán về tối giản đã được giải. 

    “Nghe thì đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp vì điều này đòi hỏi kiến trúc sư phải tư duy về không gian, hình khối rất mạch lạc, biết tận dụng các khoảng trống, biết dẹp bỏ những bức vách thừa.” 

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

     Không xây tường tạo thành phòng chứa đồ, thay vào đó các bức vách cao tầm trung sẽ rất vừa phải để chia không gian mà vẫn thoáng mắt

    “Mình thường làm các dự án về nhà ở chung cư, nên hiểu được một số hạn chế của kiểu nhà này là rất thiếu ánh sáng tự nhiên. Do vậy, với các yêu cầu về tối giản, mình thường khuyên các chủ đầu tư mạnh dạn phá bớt các bức tường của phòng ngủ phụ để mở rộng không gian và có thêm phòng chứa đồ.”

    Giống như Chans House, cấu trúc của căn nhà đã được phá bỏ gần như hoàn toàn để lắp đặt “hộp gỗ khổng lồ” ở trung tâm ngôi nhà. Nếu nhìn tổng thể một lượt thì căn nhà này sẽ bao gồm: bếp, ghế sofa, phòng ngủ, phòng trống và một chiếc hộp gỗ to. Chừng ấy khu vực và đồ đạc mang lại cảm giác căn nhà có phần “đơn sơ” trong nội thất và sinh hoạt. Nhưng thực chất, căn nhà hoàn toàn tiện nghi và đầy đủ đồ dùng.

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    Không gian như được là phẳng, mọi thứ được sắp xếp gọn ghẽ, cảm giác không có nhiều đồ đạc

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    Chiếc hộp gỗ ẩn giấu cả một thế giới tiện nghi ở bên trong

    3 yếu tố thôi: Chất liệu – Màu sắc – Ánh sáng

    Để làm nên một công trình phong cách tối giản, bạn chỉ cần quan tâm 3 yếu tố tiên quyết là chất liệu, màu sắc và ánh sáng.

    “Về chất liệu, mình nghĩ duy trì ở mức 2-3 loại để thiết kế có tính xuyên suốt và đồng nhất. Một số chất liệu mình ưa dùng và thấy phù hợp với phong cách tối giản là bê tông – sử dụng cho cả sàn và tường đều rất cá tính và gỗ.”

    Những vật liệu có tính thô và mộc ấy mang đến cảm nhận về sự tự nhiên, giản đơn, ít qua xử lý bóng bẩy. Cũng như con người vậy, những gương mặt mộc bao giờ cũng gợi nét đẹp giản dị nhiều hơn là những đôi môi mọng đỏ hay tóc keo bóng loáng phải không?

    Nói như vậy, không có nghĩa cứ nhà tối giản là chỉ có bê tông và gỗ. Mỗi một loại vật liệu đều có cách kể câu chuyện của riêng mình. Đá cẩm thạch sáng bóng hay bức tường sắc lạnh bằng sắt cũng có thể mang lại sự tối giản nếu được sử dụng đúng cách, đặt đúng chỗ. Và một lần nữa, yếu tố “cá tính khách hàng” được nhắc đến như kim chỉ nam cho “giấc mơ tối giản” này.

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    Bức tường bằng sắt được phun axit để có được vẻ ăn mòn tự nhiên đặt tại văn phòng của Kây Architecture

    Với màu sắc, cũng chỉ nên dừng lại ở con số 3 và đây sẽ là bảng màu chủ đạo cho toàn ngôi nhà để tăng thêm tính đồng nhất, và đương nhiên, tính tối giản nữa.

    “Mình hay đi theo các tone màu sáng và trung tính, nhưng cần phải có độ tương phản cao để không bị nhàm chán hay nhờ nhờ. Mình thích dùng các màu trung tính làm nền và highlight công trình bởi một số yếu tố màu sáng.”

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    Những đường viền vàng và đen dù nhỏ nhưng tinh tế và nổi bật trên nền màu trung tính trắng và gỗ nude.

    Vật liệu cuối cùng cần xử lý là ánh sáng. Nghe thật lạ phải không? Nhưng dưới con mắt của KTS Nguyễn Việt Hưng, ánh sáng thực sự trở thành một thứ “vật liệu” đặc biệt mà mình có thể điều chỉnh được để cho ra “chất” tối giản. Đó là sự hòa hợp giữa ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. 

    “Bên cạnh việc tận dụng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt như đã đề cập ở trên, mình thích sử dụng ánh sáng nhân tạo kiểu tập trung nhiều hơn là dàn trải.” 

    Đúng vậy, ánh sáng tập trung sẽ giúp hút ánh nhìn vào những điểm cần nhấn trong căn nhà và bỏ qua các chi tiết ở khu vực ít sáng hơn, khiến bạn càng có cảm giác về một sự tối giản tinh tế hiện hữu trong căn phòng.

    phong van kts nguyen viet hung kay architects_happynest

    Ánh sáng tập trung sẽ hướng ánh nhìn tới những điểm nhấn, tăng cảm giác tối giản

    KTS Việt Hưng và Kây Architecture tuy không định hình đi theo một phong cách cố định, nhưng trong mỗi công trình của anh đều để lại một ấn tượng riêng. Đó là những cách xử lý thiên về hình khối, box, không gian, ít đi vào tiểu tiết. Cách sử dụng ánh sáng tập trung để tạo điểm nhấn. Hay ở sự trải nghiệm nhiều loại chất liệu khác nhau, mới mẻ. 

    “Mình xác định là không cần cứ gì phải đặt mục tiêu cho anh em là làm quá nhiều dự án hay công trình, mà cái chính là mỗi công trình phải làm cho ra chất. Quan trọng nhất và may mắn nhất vẫn là gặp được khách hàng có cá tính, bản thân họ hiểu họ muốn gì thì mình sẽ luôn được truyền cảm hứng bởi chính khách hàng, mà tạo nên những thiết kế phù hợp nhất.”

    Kết thúc buổi nói chuyện với KTS Nguyễn Việt Hưng, Happynest ra về với tâm thế đầy cảm hứng về phong cách tối giản lạ. Các chia sẻ của anh hẳn sẽ là những gợi ý thú vị cho những ai đang theo đuổi phong cách sống hấp dẫn nhưng cũng khá kén chọn này. 

    Anh Hưng tiễn chúng tôi ra tận cửa rồi lại mau chóng quay về với văn phòng, nơi những KTS trẻ như anh đang cần mẫn chỉnh sửa từng nét phác thảo và đồ họa cho các dự án của Kây Architecture. Theo như lời anh Hưng, đó không phải là công việc “vẽ bản thiết kế công trình” mà là “Chúng tôi đang nỗ lực để Designing Happiness” như slogan của Kây Architecture. Xin cảm ơn và xin chúc anh cùng Kây Architecture sẽ luôn có những dự án hay và những công trình chất – độc – lạ.

    Ảnh: Kay Architecture
    Bài viết: Bluep13

     

     

     

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0