14 ngôi chùa thiêng nên ghé thăm đầu năm mới để cầu may

    24/01/2017 06:091.314 lượt xem

    Đầu năm khai Xuân bằng việc lễ chùa đã là tập tục truyền thống, lâu đời của người Việt. Ai cũng muốn vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái và cầu sức khỏe, may mắn cho toàn gia.

    9 ngôi chùa, đền, phủ thiêng dưới đây là những nơi đầu năm bạn nên ghé thăm để xin may mắn, sức khỏe, công việc và tình duyên.

    Xin lộc – cầu tài – May mắn

    1. Phủ Tây Hồ – cầu tài lộc

    • Địa Điểm: Phủ Tây Hồ nằm tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
    • Ngày Lễ Chính: Vào ngày 3 tháng ba và ngày 13 tháng tám âm lịch.
    • Phủ Tây Hồ được coi là một trong những ngôi đền linh thiêng để cầu tài lộc mỗi dịp đầu xuân năm mới.

    14 Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, trước là một làng cổ của kinh thành Thăng Long nằm ở phía đông của Hồ Tây. Ở ngay đầu làng có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ).
    Hàng năm cứ sau thời khắc giao thừa, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Hồ Tây.

    2. Đền Bà Chúa Kho – xin lộc rơi lộc vãi

    • Địa điểm: Khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
    • Chính lễ: Đầu năm “đi vay” và cuối năm “đi trả”
    • Bà chúa kho: Theo dân gian truyền miệng thì, những người đi lễ đầu năm đến đền Bà Chúa Kho để vay tiền làm ăn kinh doanh trong năm mới để có được một năm kiếm thật nhiều tiền và kinh doanh thuận lợi.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Mọi người lên lễ Bà Chúa Kho để vay tiền hoặc xin “lộc rơi lộc vãi”. Vay thì thủ tục khá rắc rối, phải qua nhiều ban bệ. Đa số mọi người lên xin lộc rơi lộc vãi nhưng năm nào cũng lên tạ lễ Bà đã phù hộ cho.
    Đi lễ Bà Chúa Kho đã trở thành thói quen đối với nhiều người, đặc biệt là giới kinh doanh. Cứ vào dịp đầu xuân năm mới hàng ngàn khách thập phương trong cả nước lại đến chiêm bái, thắp hương và dâng phẩm vật kính lễ bà Chúa kho, cầu mong một năm mới an lạc thịnh vượng và hạnh phúc.

    3. Quốc Tử Giám – xin chữ

    • Địa điểm: 58 Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
    • Xin chữ mùng Một đầu năm
    • Cầu học hành thi cử được suôn sẻ và thuận lợi.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Sáng mồng Một đi xin chữ thánh hiền, là phong tục từ nhiều đời nay của người Hà Nội. Di tích thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến ngưỡng công trình cổ và không khí Xuân đầu năm mới.

    4. Đền Bắc Lệ – cầu may mắn và bình an

    • Địa điểm: Bắc Lệ, Hữu Lũng, Lạng Sơn
    • Chính lễ: Lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 Âm lịch.
    • Đền Bắc Lệ tương truyền là nơi đất thiêng ban may mắn, bình an. Đây cũng là ngôi đền cầu tình duyên thiêng nhất xứ Lạng.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Đền Bắc Lệ nằm trên một quả đồi cao, xung quanh rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người. Ngoài ra, được suy tôn trong đền còn có Chầu Bé – một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, đây chính là các cô, các cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
    Chùa cầu duyên – cầu tự

    5. Chùa Hà – cầu duyên

    • Địa Điểm: Chùa Hà nằm tại phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
    • Đây là một trong những ngôi chùa rất linh thiêng trong chuyện cầu duyên.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Đến đây không chỉ có những người đang cô đơn, lẻ bóng, những người không may trong chuyện gia đình, mà còn cả những đôi bạn trẻ đến cầu mong cho chuyện tình cảm tốt đẹp hơn. Người đi chùa Hà cũng không sắp lễ nhiều như ở những chùa khác chỉ đơn giản là một ít tiền vàng, hoa, trầu cau đựng trong một chiếc khay nhỏ và một thứ không thể thiếu là tiền lẻ.

    6. Chùa Duyên Ninh (Duyên Ninh Tự) – cầu duyên và cầu tự

    • Địa điểm: Làng cổ Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.
    • Chùa Duyên Ninh nổi tiếng là đất thiêng cầu may mắn, cầu duyên, cầu tự.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Dân gian thường gọi chùa này là chùa Thủ. Là nơi vui chơi của các công chúa thời xưa. Cũng nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân con vua Lê Đại Hành đã thề hẹn yêu đương ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông.
    Chính nguồn gốc về các cô công chúa, về gia đình hạnh phúc xa xưa của bậc vua chúa nhà Lý mà chùa sau này trở thành một điểm tín ngưỡng thu hút rất đông người dân tới cầu phúc, cầu may. Đặc biệt không thể không kể tới việc cầu duyên và cầu tự hiếm muộn con cái.

    7. Đền Chữ Đồng Tử – cầu duyên

    • Địa điểm: Đền Chữ Đổng Tử Khoái Châu, Hưng Yên
    • Ngôi chùa nổi tiếng với tích trạng Chữ Đồng Tử và Tiên Dung là nơi người dân đến để cầu duyên, gia đình yên ấm.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Mối lương duyên của Chữ Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung vẫn còn mãi với thời gian. Chính vì thế nhiều người đến đây không chỉ để dâng nén nhang tưởng nhớ tới một trong những “tứ bất tử” của Việt Nam cùng hai vị phu nhân xinh đẹp là Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa mà còn để cầu mong tìm được tình yêu chân chính, gia đình yên ấm trong suốt cả năm.

    8. Am Mỵ Nương – cầu duyên

    • Địa điểm: Am Mỵ Nương nằm trong chùa Cổ Loa (Hà Nội).
    • Am Mỵ Nương được truyền tụng rất ứng nghiệm trong cầu tình duyên, hạnh phúc gia đình.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest


    Trong chùa, có am nhỏ thờ một bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng. Theo người dân sống tại đây, bức tượng này là thờ công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa.
    Câu chuyện tình cảm sắt son, chung thủy của nàng Mỵ Nương cùng Trọng Thủy khi xưa đã khiến bao người cảm động, tin tưởng rằng đến nơi đây cầu duyên sẽ được linh ứng. Do vậy cứ đến ngày đầu năm người ta đổ về đây mong kiếm tìm hạnh phúc” cho mình. Chính vì vậy am Mỵ Nương được người đời truyền tụng là rất có ứng nghiệm trong cầu tình duyên và hạnh phúc gia đình.

    9. Tổ đình Phúc Khánh

    • Địa điểm: Phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest

    Vào đầu năm, chùa Phúc Khánh (còn có tên Chùa Sở) chẳng lúc nào vắng người đi lễ chùa. Phần bởi chùa có kiến trúc cổ kính, thanh tịnh của chùa, phần vì chùa nổi tiếng về dâng sao giải hạn đầu năm.

    10. Chùa Giác Lâm

    • Địa điểm: số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, phường 10, Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh.
    • Tổ đình danh tiếng miền Nam

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest

    Chùa Giác Lâm có mặt tại Gia Định (Sài Gòn) từ năm 1744 - là một trong những ngôi chùa có mặt sớm nhất còn tồn tại đến nay, do cư sĩ Lý Thụy Long xây dựng. Kiến trúc của chùa Giác Lâm được coi là tiêu biểu nhất cho lối kiến trúc của các ngôi chùa tại khu vực Nam Bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ "Tam", gồm có 98 cột chống đỡ, bên trong chùa bài trí 113 pho tượng cổ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau.

    11. Chùa Vĩnh Nghiêm

    • Địa điểm: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thuộc phường 7, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
    • Ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch, ngày Đức Phật thành đạo, chùa Vĩnh Nghiêm đều tổ chức trọng thể lễ húy nhật Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1838 – 1936), cố thiền gia pháp chủ Phật giáo Bắc Việt.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest

    Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Ngoài ra ngôi chùa này còn được ghi nhận là ngôi chùa có tháp đá cao nhất và công phu nhất tại Việt Nam với 7 tầng, cao đến 14m. Tòa tháp đặc biệt này được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn và họa tiết điêu khắc phủ kín… theo phong cách văn hóa Lý - Trần.

    12. Chùa Ngọc Hoàng

    • Địa điểm: đường Mai Thị Lựu, Quận 1, Hồ Chí Minh
    • Nhà nước công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest

    Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là Phước Hải là một ngôi chùa lâu đời trên đất Sài Gòn. Với những nét kiến trúc cổ xưa, mái ngói âm dương, ngôi chùa này từng được xếp hạng "Di tích kiến trúc nghệ thuật" cấp quốc gia vào năm 1994. Chùa Ngọc Hoàng rộng khoảng 2.300m2, được thiết kế theo kiến trúc ba gian thờ với khu vực chánh điện thờ Phật, Ngọc Hoàng. Đền thờ Kim Thoa Thánh Mẫu, ông Tơ bà Nguyệt và 12 bà Mụ nằm bên tay trái. Bên trong là điện thờ thần Tài, công danh sự nghiệp.

    13. Chùa Bà Thiên Hậu

    • 710 Nguyễn Trãi, phường 11, Quận 5, Hồ Chí Minh
    • Ngày Lễ Chính: Ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest

    Chùa Bà Thiên Hậu (còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn) là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở TP Hồ Chí Minh. Là ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất tại quận 5, chùa Bà Thiên Hậu hàng ngày vẫn đón tiếp người đến cúng lễ khá đông. Nhất là vào các ngày mùng một và rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết trong năm.

    14. Chùa Ông – cầu duyên

    • Địa điểm: Chùa Ông nằm ở trung tâm Q.5, TP.HCM
    • Ngôi chùa linh thiêng cầu mối nhân duyên

    Chùa thiêng đi lễ đầu năm - happynest

    Ngôi chùa nhỏ mang tên chùa Minh Hương nổi tiếng linh thiêng. Đó là địa chỉ tâm linh của cộng đồng người Hoa và cả người Việt tìm đến để cầu nguyện mỗi ngày.
    Chùa Minh Hương còn được gọi là chùa Ông hay chùa Quan Đế Thánh quân, tức theo tục thờ Quan Vân Trường thuở trước đã in vào lối sống của người Hoa và cả người Việt hiện nay. Dù không thuộc loại nhất nhì về quy mô, nhưng theo khẳng định của nhiều người thì sự linh thiêng của chùa đã nức tiếng xa gần. Rất nhiều bạn trẻ đã đến đây để mong tìm được mối nhân duyên cho mình.

    Bài viết: Nguyễn Ngọc Hà

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0