Học người Nhật tuyệt chiêu dọn dẹp ma thuật - Konmari

    21/09/2018 20:341.604 lượt xem

    Khi số lượng đồ dùng trong nhà có xu hướng nhiều thêm, việc dọn dẹp bỗng trở thành cơn ác mộng vì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và thời gian. Vậy thì phương pháp Konmari, một phương pháp dọn dẹp không gian mà người Nhật tin dùng sẽ giúp bạn biến cơn ác mộng đó thành thú vui cuộc sống.

    Người Nhật nổi tiếng với cách sống tối giản, tinh gọn không gian nhưng vẫn đảm bảo sự tiện nghi. Bên cạnh phong cách sống tối giản chúng ta từng nghe tới thì phương pháp Konmari cũng là một trong những bí quyết giúp người Nhật sắp xếp không gian sống của mình.

    Nguồn gốc phương pháp Konmari

    Chủ nhân của phương pháp dọn dẹp độc đáo này là chị Marie Kondo sống tại Tokyo, Nhật Bản. Yêu thích sự sạch sẽ và ngăn nắp, Marie Kondo đã tạo cho mình thói quen dọn dẹp mọi thứ gọn gàng ngay từ khi còn rất nhỏ. Coi dọn dẹp là niềm yêu thích, chị Marie đầu tư nghiên cứu và rút ra được những mẹo hay để việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn. Đây chính là chìa khóa giúp chị thành công khi xuất bản liên tiếp 4 cuốn sách về bí quyết dọn dẹp sau này.


    Dọn nhà có thể là niềm vui, là cách giải tỏa căng thẳng nếu bạn chọn đúng phương pháp

    Chị Marie Kondo chọn cho mình lối sống và cũng là nguyên tắc cốt lõi của phương pháp Konmari: Chỉ giữ lại những thứ mang đến niềm vui trong cuộc sống. “Những thứ” được nhắc tới ở đây không chỉ là đồ vật trong nhà, đó còn là cách ta dọn nhà như thế nào, bỏ đi công thức máy móc không hiệu quả để chọn phương pháp thú vị hơn.

    Phương pháp Konmari hướng người dùng tới niềm vui trong dọn dẹp và làm thế nào để dọn dẹp thực sự hiệu quả.

    4 điểm chính trong phương pháp Konmari

    Bạn thực sự muốn có không gian sống thế nào?

    Ghi ra giấy những điều bạn kỳ vọng ở không gian sống của mình, càng chi tiết càng tốt. Ví dụ như phòng khách sẽ trông ra sao, bạn mong muốn gì khi ngồi ở đó. Hay bạn muốn phòng bếp có những dụng cụ gì, trang trí ra sao. Khi đó bạn sẽ có một bức phác thảo không gian khá trọn vẹn, việc còn lại là bắt tay sắp xếp để tạo ra không gian đó.


    Không gian bạn muốn càng cụ thể thì bạn càng biết rõ bản thân cần làm gì để dọn dẹp hiệu quả, đúng kế hoạch (Tranh: Nga Laluna)

    Thay vì suy nghĩ nên bỏ thứ gì, ta hãy nghĩ xem thứ gì nên giữ lại

    Đưa ra lý do xem tại sao ta nên giữ lại

    Khi dọn nhà, chúng ta thường có thói quen đắn đo xem nên bỏ thứ gì. Điều này thật khó khi món đồ nào cũng có điểm thú vị riêng và việc từ bỏ nó thật không dễ dàng. Vậy thì lật ngược lại vấn đề, chúng ta hãy nghĩ xem thứ gì đáng để giữ lại. Bạn nên đưa ra những lợi ích của món đồ để tự thuyết phục bản thân mình giữ lại. Bạn chỉ nên giữ nếu chúng có hơn 5 lí do vì đó là những món đồ thực sự cần thiết. Đừng giữ suy nghĩ “biết đâu sau này sẽ cần” đối với những nhóm đồ bạn có nhiều hơn 3 lựa chọn vì ngay thời điểm này bạn đã không dùng nó thì rất khó để bạn yêu thích nó trong tương lai.


    Giữ lại món đồ cần thiết nhưng bạn cũng cần cân nhắc số lượng hợp lý

    Chỉ chọn những đồ đem lại cho ta niềm vui

    Chất lượng cuộc sống ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng của bạn. Nếu trong nhà toàn những món đồ bạn yêu thích, gợi cho bạn niềm vui và suy nghĩ tích cực thì tâm trạng bạn cũng sẽ được thư giãn. Chưa kể bạn cũng sẽ thêm yêu và muốn về nhà nhiều hơn sau những giờ làm việc căng thẳng.


    Giữ lại đồ yêu thích cũng giúp bạn hạn chế mua sắm thêm vì đồ trong nhà đã thỏa mãn tâm trạng của bạn


    Một chiếc áo dù bạn yêu thích tới mức nào nhưng khi mặc lên bạn không tự tin và thoải mái, vậy thì không nên giữ lại nó

    “Dọn” và “dẹp” phải đi cùng nhau

    Nói tới dọn nhà, bạn nghĩ ngay tới việc sắp xếp lại không gian sống cho khỏi bừa bộn bằng cách cất bớt đồ vào thùng, vào tủ. Điều này không sai nhưng chưa triệt để. Vì một lúc nào đó, khi bạn mở tủ ra, đống đồ này sẽ lại là một mớ bừa bộn cần dọn dẹp.


    Chọn những món đồ không còn dùng tới cất vào thùng và bê nó ra khỏi nhà mới là điều đúng đắn để để bạn cải thiện không gian sống

    Phân loại đồ dùng để dọn dẹp thay vì chia theo từng khu vực

    Thay vì dọn từng phòng trong nhà, chúng ta tập trung đồ đạc và chia theo từng nhóm: quần áo, chăm đệm, bàn ghế, nồi chảo… Lần lượt chọn đồ cần giữ lại của mỗi nhóm sẽ giúp chúng ta kiểm soát số lượng đồ đạc tốt hơn, cũng hạn chế khả năng trùng lặp chức năng giữa nhiều món đồ.


    Dọn dẹp theo các nhóm đồ riêng biệt giúp chúng ta kiểm soát đồ đạc trong nhà dễ dàng hơn

    Dọn dẹp không phải là cuộc chiến. Đó là cách bạn đáp ứng nhu cầu bản thân về một không gian sống chất lượng hơn bằng việc sắp xếp lại nội thất. Nhìn rộng ra, nếu bạn quan tâm tới lối sống tối giản nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào thì phương pháp Konmari cũng có thể giúp bạn. Tối giản bắt đầu bằng việc sắp xếp, thu gọn lại đồ dùng trong không gian sống.

    Bài viết: Thu Thủy

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0