9 yếu tố đặc trưng của phong cách tối giản trong thiết kế nội thất

    26/05/2018 05:008.564 lượt xem

    Phong cách tối giản – hay còn được gọi là Minimalism – đã và đang trở thành xu hướng nổi bật trong thiết kế kiến trúc những năm gần đây khi nó có mặt phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực thiết kế - sáng tạo như hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ họa hay công nghệ.

    Phong cách tối giản xuất phát từ phong trào nghệ thuật ở phương Tây những năm 60 kể từ sau Thế chiến thứ hai, thể hiện rõ nét nhất trong các tác phẩm hội họa và mở rộng sang âm nhạc sau đó.

    Với đặc trưng tinh giản tối đa các chi tiết rườm rà nhằm tôn lên vẻ đẹp tinh tế của những yếu tố tự nhiên và hướng tới đề cao giá trị bản chất, Minimalism nhanh chóng trở thành một xu hướng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và nội thất. Nổi bật phải kể đến kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969), người được biết đến như cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản và là một trong những bậc thầy của kiến trúc hiện đại thế giới. Châm ngôn nổi tiếng “Less is more” của ông được thể hiện rõ nét qua những công trình với không gian đơn giản, tinh tế sử dụng những vật liệu và kết cấu hiện đại.

     

    Chân dung “cha đẻ” của phong cách kiến trúc tối giản – Mies van der Rohe

    Xu hướng kiến trúc tối giản hiện đại vốn đã có mặt trong một vài phong cách thiết kế kiến trúc và nội thất đặc trưng của mỗi vùng hay quốc gia trên thế giới. Phổ biến nhất là phong cách Scandinavia của khu vực Bắc  u với đặc trưng tự nhiên và thô mộc, trong trẻo và tinh tế, gọn gàng và tối giản.

      

    Một số yếu tố của xu hướng tối giản được ứng dụng trong kiến trúc Scandinavia 

    Đại diện Châu Á đi đầu trong ứng dụng phong cách thiết kế tối giản hiện đại là Nhật Bản với những công trình kiến trúc kết hợp hài hòa tính hiện đại với những giá trị văn hóa truyền thống. Sự tinh giản thể hiện đồng thời ở hình thức kiến trúc cho đến nội thất bên trong mang lại cho đất nước mặt trời mọc một phong cách kiến trúc nổi bật mang đặc trưng riêng biệt của quốc gia.

     

    Tối giản là một trong những nét đặc trưng nổi bật của kiến trúc Nhật Bản 

    9 yếu tố đặc trưng cơ bản của phong cách tối giản hiện đại trong thiết kế kiến trúc và nội thất.

    “Less is more” – đặc trưng chủ đạo của phong cách tối giản được đề ra bởi kiến trúc sư Mies van der Rohe.

    Về tổng thể, các chi tiết nội thất mang đặc trưng của trường phái Tân Cổ điển hay Phục Hưng cần phải được loại bỏ cùng với kiến trúc giản lược đến mức tối đa. Nét đẹp của một không gian tối giản đến từ cấu trúc, ánh sáng tự nhiên hay chất liệu đồng nhất và hạn chế tối đa việc sử dụng nhiều đồ nội thất với chi tiết rườm rà.

     

    Ví dụ điển hình cho nguyên tắc “Less is more” - Công trình mang tên Moliner House, tại Zaragoza, Tây Ban Nha.

     

    KTS Alberto Campo Baeza “ăn gian” diện tích với thiết kế nội thất bằng kính và các giá sách cùng tông với màu sơn tạo cảm giác rộng rãi, không dư thừa.

    Tối ưu diện tích sử dụng bằng những thiết kế tận dụng tối đa không gian.

    Không gian của một công trình mang phong cách tối giản hiện đại phải đảm bảo được tính thoáng đãng với những mảng tường, mảng trần và sàn phẳng, tạo khoảng trống lớn, ít chi tiết giúp tối ưu diện tích sử dụng. Hạn chế sử dụng đồ nội thất, màu sắc và vật liệu sẽ mang lại cho không gian công trình một vẻ tĩnh lặng và đơn giản, phù hợp với những lối sống đậm chất thiền Á Đông.


    Việc dỡ bỏ và xây mới trần nhà cũng như bố trí khung cửa đón ánh sáng sau khi cải tạo đã biến S.Tu House từ một phòng tranh cũ kỹ 50m2 trở thành căn nhà ở tiện nghi, thoáng đãng hơn.

    Tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên.

    Với cấu trúc không gian đơn giản và tiết chế sử dụng nhiều màu sắc cùng chất liệu nổi bật, ánh sáng trở thành một yếu tố quan trọng bậc nhất trong phong cách tối giản hiện đại. Việc tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên qua các khung cửa có diện tích lớn, những vách kính hay mái nhà sẽ mang lại hiệu ứng thị giác với giá trị thẩm mỹ cao.

      

    Người Nhật luôn là bậc thầy trong việc “chơi đùa” với thiên nhiên trong các công trình kiến trúc. Điển hình như sự sáng tạo tuyệt vời của cấu trúc trần giúp đón ánh sáng tự nhiên một cách thẩm mỹ, phù hợp với ngôi nhà của một nhiếp ảnh gia. 

    Lượng ánh sáng tự nhiên vừa đủ sẽ mang lại một cảm giác thư thái, bình yên xen lẫn với những khoảng tối được tạo nên từ bóng đổ là nét độc đáo thú vị khi ứng dụng yếu tố ánh sáng trong phong cách tối giản hiện đại.


    KTS Kouichi Kimura đã đem lại một màn trình diễn ánh sáng vừa mạch lạc vừa ấn tượng trong không gian đậm phong cách tối giản hiện đại của con người Nhật Bản từ trước đến nay.  

    Bảng màu sắc đồng nhất và nhã nhặn với các tông màu trung tính.

    Màu sắc sử dụng trong không gian tối giản thường không nhiều, không nên quá số lượng 4 màu, hợp lý hơn cả là 3 màu với tỉ lệ hòa trộn 60-30-10. 60% là màu chủ đạo, 30% là màu trung gian và 10% màu nhấn.

     

    Sự phân bổ các tông trung tính với màu xám trắng chiếm diện tích lớn nhất, điểm xuyết những chi tiết gỗ nâu lạnh và đồ điện sơn đen mang lại sự hài hòa cho 3.5 x 9.9 House. 

    Sự xếp lớp các sắc độ của một tông màu cũng là một lựa chọn thú vị cho không gian mang phong cách tối giản, điển hình như kiến trúc Scandinavia với các sắc độ trung tính thiên ấm được bố trí theo từng khoảng lớn không “cắt ngang” nhau.

     

    Sự xếp lớp các sắc độ của tông beige cho hầu hết diện tích không gian mang lại sự thoải mái, rộng rãi mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ với điểm nhấn của màu nâu tối cho các đồ nội thất hiện đại.  

    Loại vật liệu tạo bề mặt đơn giản mang hơi hướng tự nhiên sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho phong cách tối giản hiện đại.

    Về bản chất, cũng giống như những phong cách thiết kế nội thất khác, vật liệu được sử dụng đa dạng tùy thuộc theo sở thích của gia chủ. Những chất liệu tự nhiên hoặc giả tự nhiên như gỗ, bê tông, tre, đá nhám thường được ưa thích hơn cả. Các loại vật liệu được sử dụng nên được phối màu đồng nhất với tổng thể không gian, thiết kế đơn giản sẽ giúp tạo nên những tiết diện tuyệt vời làm nổi bật kiến trúc và phản chiếu ánh sáng.

     

    Sự kết hợp hài hòa giữa việc sử dụng chất liệu gỗ với hai tông màu đối lập nâu sẫm và xám xi-măng đại diện cho nét cổ điển và hiện đại trong một căn hộ  Chans House.

    Đồ nội thất với các chi tiết hình học đơn giản, bề mặt trơn ít hoa văn.

    Không gian tối giản luôn ưu ái những thiết kế nội thất đơn giản và tiện dụng. Đồ nội thất nên tạo được sự đồng nhất với kiến trúc của công trình, chủ yếu mang đường nét hay hình khối đơn giản tạo thành điểm nhấn trang trí cho tổng thể thiết kế.

     

    Thể hiện điển hình trong việc lựa chọn cấu trúc hình học từ không gian cửa ngăn cách, giá sách, bàn và ván sàn đồng nhất trong kiến trúc căn hộ BG (Tây Ban Nha).

    Các đồ dùng công nghệ ẩn sau những chi tiết nhỏ.

    Lối sống hiện đại thường khiến con người ưu tiên lựa chọn những đồ dùng công nghệ tiện ích cho căn nhà. Nhưng chính việc bày trí nhiều đồ dùng sẽ đánh mất đặc trưng của phong cách sống tối giản hiện đại. Những thiết kế công nghệ tích hợp như các ngăn tủ âm tường tự động, bàn gấp, điều hòa âm trần hay các vật dụng tiện ích hai trong một không tốn nhiều diện tích đều sẽ thích hợp cho những ai yêu thích xu hướng tối giản hiện đại.


    Những giải pháp “giấu đồ”sáng tạo giúp mang lại cảm giác thoáng đãng, rộng rãi và tinh giản các đồ nội thất trong thiết kế S.I House từ Iran. Giường khi không sử dụng sẽ được kéo lên trần, các lối đi, tủ đồ đều được thiết kế âm tường và kéo mở linh hoạt không tốn diện tích. 

    Sự tương phản là điểm nhấn.

    Tính thẩm mỹ của một không gian tinh giản tối đa từ kiến trúc, màu sắc, vật dụng thể hiện ở sự tương phản trong thiết kế nội, ngoại thất. Tương phản thể hiện trong sự phân bổ nguồn ánh sáng tự nhiên và bố trí các góc bóng đổ trong căn nhà; hay cách phối hợp và xếp lớp các màu đậm nhạt để tạo điểm nhấn,… sẽ đều được các kiến trúc sư thỏa sức sáng tạo giúp không gian tối giản không bị nhàm chán, tẻ nhạt và thiếu sức sống.

     

     Trong cùng một thiết kế của Kouichi Kimura, sự tương phản cũng được tính toán đầy nghệ thuật giữa hai chất liệu gỗ - xi-măng, ánh sáng - bóng đổ, gam màu nóng - lạnh; cấu trúc hiện đại bên trong - không gian thiên nhiên sân vườn. 

    Phong cách tối giản phù hợp với phong cách sống của chủ nhà.

    Điều quan trọng nhất để tạo nên một kiến trúc mang phong cách tối giản hiện đại có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao là thích hợp với nhu cầu, sở thích của gia chủ. Thể hiện qua việc lựa chọn màu sắc, đồ đạc nội thất hay diện tích không gian. Chính yếu tố này tạo nên sự đa dạng khác biệt giữa các công trình thiết kế theo xu hướng tối giản hiện đại.

     

    Gia chủ là những người ưa thích sự tối giản nên căn hộ Mulberry cũng được thiết kế theo chuẩn phong cách này

    Phong cách thiết kế nội thất tối giản hiện đại luôn luôn giữ được vị thế của nó trong sự phát triển của vô vàn những trường phái nghệ thuật và thẩm mỹ khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở nhịp sống nhanh của xã hội cũng như tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại. Một không gian yên bình, thoáng đãng và cảm giác thư thái mà phong cách này mang lại quả thực đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam hiện nay nói riêng.  

    Bài viết: Diệu Thủy

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0