Gỗ vỉ: Vật liệu lát sàn mới được ưa chuộng và những ứng dụng tiện ích trong không gian sống

    06/05/2018 02:005.177 lượt xem

    Từ trước đến nay, gỗ luôn là vật liệu gợi nên vẻ sang trọng cho công trình. Tuy nhiên, gỗ tự nhiên có nhiều hạn chế và kén không gian cũng như giá thành khá cao. Gỗ vỉ đã xuất hiện, mang lại vẻ sang trọng của gỗ đồng thời có những ưu điểm nổi bật như chống trơn trượt, chống nấm mốc, độ bền cao và cách sử dụng linh hoạt.

    Với thiết kế như những chiếc vỉ vuông vắn, gỗ vỉ có những ưu điểm hay ứng dụng gì trong các không gian sống?

    1. Gỗ vỉ là gì?

    Gỗ vỉ là một loại vật liệu dùng để lát sàn và có cấu tạo như viên gạch vuông với kích thước 300x300 mm. Gỗ vỉ ngày càng trở nên phổ biến và được dùng nhiều các không gian như nhà bếp, hành lang, ban công, sân thượng, sân vườn, thậm chí là phòng tắm, phòng xông hơi hay sàn bể bơi ngoài trời.


    Gỗ vỉ có cấu tạo gồm phần gỗ ở trên và phần vỉ nhựa ở dưới. Phần vỉ nhựa ngoài các chốt khóa còn có các lỗ để đánh ốc cố định với lớp trên

    Gỗ vỉ có cấu tạo gồm 5 lớp:

    • Trên cùng là lớp bề mặt được trải hợp chất để tăng độ bảo vệ và bền đẹp cho sản phẩm.
    • Thứ hai là lớp áo với độ dày từ 0.3 - 0.7 mm giúp hạn chế tác động từ các yếu tố bên ngoài, giúp sàn gỗ bền, đẹp theo thời gian.
    • Lớp thứ ba là lớp tạo màu để tạo nên sự đa dạng về màu sắc cho vân gỗ của sản phẩm.
    • Lớp thứ tư là lớp lót được tạo thành từ hơn 90% nhựa PVC với đặc tính chống cong vênh, đàn hồi tối, chống cháy lây lan và chịu lực tốt.
    • Lớp ở dưới cùng là đế vi nhựa với mạng lưới các lỗ cố định và để nâng các thanh gỗ sàn lên cao tạo độ thông thoáng, dễ dàng thoát nước phía dưới. Lớp đế này còn có các mấu, chốt khóa ở cả 4 cạnh để kết nối vỉ gỗ này với vỉ gỗ khác một cách chắc chắn. Phần vi nhựa còn giúp keo dán kết chặt với sàn trong quá trình thi công.

    2. Những ưu – nhược điểm của gỗ vỉ

    Hiện nay trên thị trường, mọi người biết nhiều đến hai loại gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp, còn gỗ vỉ ít được quan tâm hơn. Nhưng vật liệu này có nhiều ưu điểm mà hai loại gỗ trên đang thiếu.

    Thứ nhất, gỗ vỉ có diện mạo sang trọng không kém gỗ tự nhiên, gỗ vỉ còn mang đến sự trẻ trung và gọn ghẽ cho công trình. Gỗ vỉ hiện nay có những mẫu mã đa dạng với nhiều gam màu để lựa chọn như màu nâu, xám, gỗ hay cà phê. Kiểu dáng và cách phối các đường kẻ sọc dọc và ngang cũng phong phú và đẹp mắt trên khung kích thước tiêu chuẩn 300x 300 mm.


    Gỗ vỉ với những mẫu mã và màu sắc ngày càng đa dạng để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

    Thứ hai, sản phẩm này chống được trơn trượt, chống thấm nước và chống nấm mốc tốt. Lớp gỗ bên trên được xếp tạo thành những rãnh nhỏ nhằm nước khi đọng trên mặt sàn có thể thoát xuống vỉ nhựa bên dưới. Nước chảy xuống lớp vỉ nhựa sẽ nhanh chóng thoát ra ngoài để không ảnh hưởng đến bề mặt gỗ bên trên. Đó là lý do gỗ vỉ được dùng nhiều trong phòng tắm và cả bể bơi ngoài trời, cũng như phòng xông hơi..

    Thứ ba, việc vận chuyển và lắp đặt gỗ vỉ dễ dàng, nhanh gọn hơn so với gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp. Loại sản phẩm này cũng có thể được thay thế dễ dàng nhờ kết cấu chốt linh hoạt.

    Sản phẩm này còn ghi điểm bởi sự đơn giản trong khâu vận chuyển và thi công. Nhờ lớp đế vỉ linh hoạt, người thi công dễ dàng cắt vát để các tấm gỗ vỉ phù hợp với góc cạnh của công trình.

    Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của tấm vỉ gỗ nhựa cũng khá cao. Trung bình từ 10 năm và lâu hơn nữa nếu được sử dụng đúng và ít bị tác động bởi các tác động mạnh như va đập, cháy nổ,...

    Tuy nhiên, sàn gỗ vỉ có nhược điểm khiến nhiều người chưa hài lòng lắm. Đó là do sản phẩm này vẫn là một chế phẩm công nghiệp nên độ sắc sảo và tự nhiên vẫn còn thua sàn gỗ tự nhiên. Thêm vào đó, việc vệ sinh mặt trên của sàn gỗ vỉ khá dễ dàng, tuy nhiên bụi bẩn vẫn có thê lưu lại bên dưới sàn hay trong các kẽ vỉ. Do vậy, người dùng cần lưu ý vệ sinh định kỳ phần bên dưới sàn bằng cách lật vỉ gỗ lên.

    3. Ứng dụng của gỗ vỉ trong không gian sống

    Đi theo xu hướng thiết kế hiện đại, sàn gỗ vỉ ngày càng được ưa chuộng và tô điểm cho không gian nhiều công trình. Sản phẩm này được sử dụng trong cả không gian trong nhà và ngoài trời.

    Không gian trong nhà

    Gỗ vỉ được dùng để lát ban công và nhà tắm để thay thế cho gạch men hay gỗ tự nhiên. Khu vực ban công vốn phải tiếp xúc với không gian ngoài trời và chịu ít nhiều tác động từ bên ngoài như mưa gió, giông bão hay nắng gắt. Do vậy, sàn gỗ vỉ với những tính năng như chống trơn trượt, chống nấm mốc và chống mối mọt chính là giải pháp tối ưu hiện nay.

    Với phòng tắm hay phòng vệ sinh, đây vốn là những nơi tiếp xúc trực tiếp với nước xối mạnh. Nếu sử dụng gạch lát, bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng trơn trượt, điều này gây ra sự nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ và người già. Vấn đề này được giải quyết nhờ những thanh gỗ được xếp song song hoặc chéo nhau tạo thành những rãnh nhỏ để nước đọng trên mặt sàn thoát được xuống lớp vỉ nhựa bên dưới.


    Gỗ vỉ là giải pháp được nhiều kiến trúc sư lựa chọn cho ban công và nhà tắm

    Không gian ngoài trời

    Những không gian ngoài trời như sàn bể bơi, hành lang, sàn sân vườn,… thì yếu tố thích nghi được với sự biến đổi của thời tiết chính là thách thức lớn đặt ra khi lựa chọn vật liệu để lót sàn.

    Với khí hậu nhiệt đới ẩm tại Việt Nam, gỗ tự nhiên nếu lát những không gian ngoài trời sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức như độ ẩm cao, nắng gắt, cùng với giông tố… Công trình sẽ rất nhanh mốc, nứt hay cong vênh dẫn đến việc bảo trì, thay thế tốn kém. Không bị ẩm mốc, mối mọt, co rút hay cong vênh, không bị mất màu trong quá trình sử dụng lâu dài chính là các lý do để chuyên gia lựa chọn sản phẩm này thay cho sàn bê tông hay sàn gạch lát nhàm chán truyền thống.


    Gỗ vỉ được ứng dụng chủ yếu để lát sàn quanh bể bơi, sàn sân vườn, hành lang, sân thượng…

    Hiện nay, gỗ vỉ ngày càng được ưa chuộng vì vẻ đẹp và tính năng ưu việt của mình. Giá một tấm gỗ vỉ dao động từ 30,000 đến 70,000 VNĐ tùy loại tức khoảng 250,000 đến 350,000 VNĐ/m2. Các bạn có thể tìm mua gỗ vỉ tại những showroom vật liệu xây dựng hay showroom sàn gỗ trên cả nước.

    Bài viết: Thảo Ngân

    Bình luận

    Hãy đăng nhập và trở thành người đầu tiên bình luận về bài viết này!

    Bài đăng liên quan

    Chuyện nhà

    Xem tất cả

    Kho kiến thức

    Xem tất cả

    Happynest Story

    Xem tất cả

    Sự kiện

    Xem tất cả

    HappynestTV

    Xem tất cả

    Thảo luận

    Xem tất cả

    Ăn - Chơi

    Xem tất cả
    • 0
    • 0
    • 0
    • 0